Chủ nhật 22/12/2024 18:23

Cảng biển Dung Quất vẫn chưa đáp ứng đúng kì vọng

Được kì vọng sẽ là nơi giao thương, tập kết hàng hoá của cả khu vực, tuy nhiên đến nay cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn chưa thể phát huy được lợi thế.

Thiếu đồng bộ

Theo tìm hiểu, cảng Dung Quất là cảng biển loại I quốc gia, có diện tích hơn 1.000 ha, độ sâu 21m và không phụ thuộc vào thủy triều, đây là lợi thế lớn để tiếp nhận, vận chuyển hàng hoá. Tuy có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng lượng hàng hóa nhập, xuất qua cảng này không nhiều, dẫn đến vận tải biển, kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh.

Nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp khiến cảng Dung Quất chưa thể phát huy hết tiềm năng

Cảng Dung Quất hội tụ nhiều điều kiện lý tưởng để trở thành một trong những cảng biển quan trọng của khu vực bởi tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, bao gồm các tuyến quốc lộ 1, đường sắt Bắc- Nam, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 24 nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi còn nằm cạnh Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Theo Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, nhằm trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại. Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư đến nay chỉ mới có 8 bến cảng đưa vào hoạt động, 6 bến cảng còn lại trong quy hoạch vẫn “nằm trên giấy”.

Hiện tại, ngoài nhóm bến cảng đang hoạt động ổn định như bến cảng của Công ty CP Dịch vụ dầu khí, bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Gemadept, bến cảng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi… thì phần còn lại của một số bến cảng trong quy hoạch vẫn hoang vắng, nhiều nơi chưa giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bến cảng tại Dung Quất, có nguyên nhân khách quan là hàng container xuất nhập khẩu trong tỉnh Quảng Ngãi chưa nhiều nên các hãng tàu chưa thể mở được tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế.

“Do đó, để bốc dỡ hàng hoá, các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh. Việc này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cũng như làm tăng chi phí vận chuyển”,vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cho biết, tuy có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng lượng hàng hóa nhập, xuất qua cảng Dung Quất không nhiều dẫn đến vận tải biển, kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh. Hệ thống logistics của Quảng Ngãi chỉ đảm nhiệm được một số khâu cơ bản, chưa đóng vai trò là trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa hiệu quả. Hạ tầng luồng hàng hải còn hạn chế, luồng tàu hẹp và độ sâu chưa đáp ứng, yêu cầu thường xuyên nạo vét. Trọng tải tàu đi/đến cảng ngày càng lớn, nhưng chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô cầu bến, dẫn đến việc các chủ tàu và chủ hàng ít lựa chọn Dung Quất làm điểm đến.

“Nhu cầu xuất nhập hàng hóa phục vụ sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất là rất lớn, trong khi năng lực cảng biển tại Dung Quất chưa đáp ứng, các doanh nghiệp đã phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh để bốc dỡ hàng hóa”, ông Phong nói.

Cần được đầu tư xứng tầm

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, đại diện Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát cho biết, hai bến cảng số 6 và 7 được đưa vào vận hành khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics còn thiếu tại Khu kinh tế Dung Quất và khu vực lân cận. Từ đó, góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn phải vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa ở các cảng khác ngoài tỉnh như vừa qua. Trong đó, 2 bến cảng này chủ yếu phục vụ cho Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất chiếm hơn 80%, và phần còn lại giải quyết cho một số doanh nghiệp lân cận.

Cần sớm đầu tư để xứng tầm là cảng biển loại I quốc gia

Ông Trịnh cũng kiến nghị, cảng biển Dung Quất đang bị thiếu năng lực, hiện trạng các cầu cảng ở đây không đáp ứng được trọng tải hàng hóa. Vì vậy, cảng Dung Quất cần đầu tư thêm bến cảng, mở rộng các bến cảng số 4, 5, mở đường cho tàu container vào tiếp nhận hàng hoá. Cùng với đó phải đầu tư kho bãi, nâng cấp hạ tầng giao thông hơn nữa như vậy mới tạo ra cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãicho rằng, lý do cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng là vì nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư.

Theo ông Phong, hiện nay hạ tầng kết nối của Quảng Ngãi cơ bản đảm bảo lưu thông tuy nhiên để ngành logistics phát triển thì cần đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn quan trọng. Cụ thể, cần phải sớm hoàn thành nút giao Trì Bình - Dung Quất thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đầu tư quốc lộ 24 kết nối từ Kon Tum về cảng Dung Quất, mở rộng quốc lộ 24C nối quốc lộ 1, sớm đầu tư đường cao tốc CT22 từ cảng Dung Quất đi cửa Khẩu Bờ Y và Cửa khẩu quốc tế Nam Giang...

Ông Phong cũng thông tin thêm, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí khoảng 100 ha để làm kho bãi, sớm khắc phục những hạn chế của cảng Dung Quất. Tuy nhiên, do thay đổi các luật trong đó ảnh hưởng bởi luật đất đai, luật đầu tư là lớn nhất khiến đến công tác lựa chọn nhà đầu tư, bồi thường mặt bằng kéo dài dẫn đến các khu bãi hàng thực hiện là chậm.

Nguyễn Dương
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ngãi

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024