Cung cấp điện đang gặp khó khăn
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, việc cung cấp điện đang gặp khó khăn do nguồn than, khí trong nước cạn kiệt, không ổn định, nhiên liệu nhập khẩu gặp khó khăn, giá cao; thời tiết diễn biến bất thường dẫn tới các hồ thủy điện bị thiếu nước...
Để bảo đảm cung ứng điện toàn quốc, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới, khả năng sản xuất điện của nhà máy do chủ thể khác ngoài EVN. Tuy nhiên, công tác đầu tư các dự án nguồn và lưới điện của EVN đang gặp khó do một số quy định hiện hành về đầu tư xây dựng còn thiếu thống nhất, chồng chéo; công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện ngày càng khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ; việc thu xếp vốn của EVN rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư ngoài EVN không đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến chỉ đưa vào vận hành khoảng 16.400MW, bằng 75% khối lượng và thấp hơn ~5.250MW so với quy hoạch (21.650MW). Giai đoạn 2021 - 2030, tổng công suất các nguồn điện có khả năng vào vận hành ~62.000MW, thấp hơn 12.000MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Như vậy, giai đoạn 15 năm (2016 - 2030), tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành khoảng 78.300MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên 17.500MW, xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện...
"Nút thắt" cần tháo gỡ
Theo ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC - ngành điện nói chung và EVNNPC nói riêng đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc với mức tăng trưởng trên 10%. Đồng thời, tích cực triển khai Chương trình Tiết kiệm điện, đặc biệt là Chương trình Quản lý nhu cầu điện và Chương trình Điều chỉnh phụ tải. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt như mong muốn, nhất là trong khối DN sản xuất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết, qua tuyên truyền, ý thức của DN về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đã được nâng lên, song cái khó hiện nay là cơ chế hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa rõ ràng, trong khi nguồn lực của DN còn hạn chế. Đây chính là "nút thắt" cần tháo gỡ hiện nay.
Hiện nay, nhiều khách hàng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, giá điện đối với nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp đang được ưu tiên, khuyến khích phát triển. Công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị vi phạm về sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL) và hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế; nhiều giải pháp TKNL đòi hỏi mức đầu tư cao; các định chế tài chính, ngân hàng chưa sẵn sàng để hỗ trợ cho DN vay đầu tư áp dụng các giải pháp TKNL.
Để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc quản lý nhu cầu điện trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Điều này mang lại lợi ích cho nhà nước, ngành điện và DN như giảm nhu cầu vốn đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện; giảm tổn thất điện năng lưới truyền tải; góp phần giảm áp lực tăng giá điện; khai thác hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng; nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN… Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, cần sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng DN.
Ông Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn cho DN, nhất là các giải pháp tài chính, tiếp cận công nghệ và Chương trình Tiết kiệm điện. Cùng quan điểm, theo đại diện EVN, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xem xét lập kế hoạch, mục tiêu hàng năm và 5 năm triển khai các Chương trình Quản lý nhu cầu điện theo Chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư 23/2017/TT-BCT về quy trình thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện của Bộ Công Thương. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng các quy định của nhà nước và Chương trình Quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện đối với các DN và người dân. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tại DN; có chế tài xử lý đối với những đơn vị không thực hiện các quy định của nhà nước về lĩnh vực này.
Ông NguyễnHoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Chương trình mang lại lợi ích không chỉ cho DN, ngành điện mà cả nền kinh tế. UBND tỉnh rất ủng hộ và sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc với ngành điện Thái Bình. Chúng tôi cũng kêu gọi các DN trên địa bàn chủ động, tích cực tham gia với ngành điện hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra. |