Cần siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm
Trong thời gian gần đây, tình trạng nhập khẩu cá tầm ồ ạt và nhập lậu cá tầm qua đường mòn, lối mở dùng làm thực phẩm từ Trung Quốc vào Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nước lạnh trong nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Để phát triển thủy sản nước lạnh bền vững và đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng liên quan, tăng cường công tác quản lý đối với cá tầm được nhập khẩu từ Trung Quốc theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Cục Thú y tăng cường công tác kiểm tra động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật sản sản phẩm động vật thủy sản.
Cần siết chặt các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm |
Bộ Công Thương chỉ đạo Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, tuần tra, vận chuyển cá tầm nhập lậu dưới mọi hình thức qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo Chi cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm. Kiểm tra, ngăn chặn nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm không nằm trong danh mục được phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng tại địa phương.
Trước đó, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương đã có văn bản “cầu cứu” gửi Bộ NN&PTNT và các cơ quan chuyên môn liên quan. Nguyên nhân được đưa ra là do thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm nhập khẩu chính ngạch và cả cá tầm buôn bán qua đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp từ Trung Quốc. Lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt Nam và cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm hiện nay
Qua tìm hiểu của các nhà chuyên môn thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù có giá rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam.
Hiện nay, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là 4 loài: Cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii), cá tầm slelert (Acipenser ruthenus), đây là những loài đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan Cites Việt Nam và từ các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT.
Theo quy định hiện hành thì nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhưng theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, chưa có việc cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục sản xuất thông thường.
Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Điển hình như: Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007 sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng là 95 tấn; năm 2020 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2020 trung bình 68,75%/năm.
Lào Cai là tỉnh miền núi nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các đối tượng thủy sản nước lạnh do có nguồn nước lạnh tự nhiên. Đến năm 2020, tổng thể tích đạt 57.100 m3, sản lượng đạt trên 670 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Sapa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn,…
Hội nghị tổng kết 15 phát triển thủy sản nước lạnh và định hướng 2021 – 2030 đã đánh giá nghề nuôi trồng thủy sản nước lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất 25-30 tỷ đồng/ha. Mặt khác, sản phẩm thủy sản nước lạnh (cá tầm) là sản phẩm thủy đặc sản, đặc trưng các vùng miền có nguồn nước lạnh, có chất lượng cao. Việc nuôi các sản phẩm thủy sản nước lạnh góp phần quan trọng trong phát triển thủy sản ở các địa phương gắn với phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động miền núi, vùng sâu, vùng xa.