Cần nghiên cứu thuế giảm trừ gia cảnh khi lương tăng
Trước đó, chiều 25/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Báo cáo về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ kiến nghị thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp).
Chiều 26/6 Quốc hội thảo luận taị hội trường |
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; Bổ sung chế độ tiền thưởng; Quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Đồng thời kiến nghị giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).
Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nêu trên, Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Cụ thể từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024)...
Cần nghiên cứu thuế giảm trừ gia cảnh khi lương tăng
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này vào chiều 26/6, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên đại biểu cũng băn khoăn, bên cạnh tăng lương vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách tinh giản bộ máy biên chế. Đời sống được tăng mức lương nhưng song song đó là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế vẫn phải tích cực hơn nữa để thực hiện mục tiêu này.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam |
"Bên cạnh tăng lương và trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn. Tăng lương, giá tiếp tục tăng cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Hiện nay thực tế tôi ngạc nhiên vì có những mặt hàng tiêu dùng tăng lên rất nhiều lần, thậm chí gấp đôi. Chính vì vậy song song với đó cũng cần phải quan tâm, không có đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn. Tất nhiên ta khống chế ở mặt tâm lý, khống chế ở việc lợi dụng tăng lương để tăng giá và độc quyền... còn tăng do các điều kiện sản xuất tăng, đầu vào sản xuất tăng cũng phải chấp nhận."- đại biểu góp ý
Đồng thời, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị phải quan tâm đến vấn đề khi lương tăng thì thuế giảm trừ gia cảnh cần phải nghiên cứu. Theo đại biểu, mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ta tăng 30% lương, ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30% đến 50%.
Tìm "công thức" cho chính sách tiền lương
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc Chính phủ tích trữ được 913.000 tỷ để trả lương cho đợt này là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Tuy nhiên theo phân tích của đại biểu, nếu có một cách thức nào đó chúng ta quy về Quỹ tiền lương của khu vực công cũng như các doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ GDP rồi chúng ta lập công thức, GDP tăng tới chừng nào đủ lớn chúng ta áp dụng lại thì chúng ta thay đổi tiền lương thì đó không phải cải cách nữa mà là tăng lương theo tăng GDP.
"Việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỷ đô với 450 tỷ đô là rất khác nhau, nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống thì tôi thấy là không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức, không khuyến khích được những người làm ở khu vực công."- đại biểu Huân nhấn mạnh.
Theo đại biểu, khi làm ở khu vực công, ngoài việc tự hào về vị trí xã hội thì còn phải yên tâm về thu nhập thì mới có thể gắn bó lâu dài, đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Khi lương đủ lớn, người lao động đủ trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng với việc người ta đóng góp để GDP tăng trưởng thì lúc đó người lao động sẽ không muốn tham nhũng và họ sẽ e ngại khi dính vào tham nhũng bởi điều này sẽ có thể làm mất đi nguồn thu nhập rất lớn. Đại biểu đề nghị để cải cách một cách toàn diện phải đưa ra công thức tính và phải căn cứ vào GDP hằng năm.
Đại biểu cho rằng, việc huy động nguồn ngân sách để dự trữ như hiện nay chỉ được 913.000 tỷ đồng là nỗ lực rất lớn, nhưng là chưa đủ lớn.
"Nếu đủ lớn, chúng ta sẽ không phải đưa ra những phần trợ cấp như từ 2.055.000 đồng tăng lên 2.789.000 đồng/tháng, số rất lẻ và sau này rất khó cho những đơn vị thực hiện"- đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh |
Phản biện ý kiến cho rằng tăng lương là tăng giá, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong vòng 20 năm qua chúng ta đã 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó năm 2005 khi chúng ta tăng 20,7% thì lạm phát giảm từ 9,5% xuống 8,4%, năm 2006 tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%, năm 2012 tăng lương cơ sở 26,5% lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%, năm 2016 tăng lương cơ sở 5,2% lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7% và năm 2023 tăng lương cơ sở 20,8% lạm phát chỉ còn là 3,25%.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có 2 lần việc tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát đó là năm 2008 khi chúng ta tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 khi chúng ta tăng lương cơ sở lên 13,7%, lạm phát đã tăng từ 9,2% lên 18,6%.
Tuy nhiên 2 năm 2008, 2011 việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới, do giá dầu thế giới tăng cộng với tỷ giá trong nước tăng.
Từ bài học kinh nghiệm trong thực tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ về chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỷ giá.
Đồng thời, phải điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải giãn ra không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024; chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.
"Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá"- đại biểu Ngân nhấn mạnh.