Cần nghiên cứu lại đề xuất thành lập khu xử lý chất thải rắn quốc gia
Đề xuất thành lập khu xử lý chất thải rắn quốc gia là không hợp lý
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ diễn ra hôm 11/10, trong báo cáo tóm tắt dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đề xuất trong phạm vi vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hình thành 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia. Và dự kiến sẽ đặt khu xử lý chất thải này tại tỉnh Quảng Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xử lý chất thải rắn phải phân tán, địa phương nào xử lý tại địa phương đó, không nên hình thành khu xử lý cấp quốc gia hay vùng |
Đề xuất này ngay khi đưa ra đã gặp nhiều phản ứng phản đối mạnh, không chỉ của riêng tỉnh Quảng Nam, mà còn của các địa phương khác.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Namcho biết hoàn toàn bất ngờ về đề xuất này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã phải ứng xử rất nhiều các sự cố liên quan đến xử lý rác thải rắn. “Tôi đề nghị đã xử lý chất thải rắn thì nên phân tán, không nên tập trung thành khu xử lý cấp quốc gia, hay vùng”, ông Lê Trí Thanh nói và cho rằng, mỗi địa phương chủ động xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tập trung với quy mô, công suất phù hợp với một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, với những công nghệ tiên tiên, công nghệ phù hợp với địa phương đó. “Xây dựng khu xử lý chất thải rắn quốc gia khi xảy ra sự cố thì hàng loạt địa phương sẽ bị ảnh hưởng theo. Điều đó không cần thiết. Tôi nghĩ rằng xử lý chất thải rắn cần phân bố, phân tán theo từng địa phương. Mỗi địa phương tùy theo đặc điểm địa hình của mình thì xây dựng cho phù hợp”, ông Thanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng phải xem lại đề xuất này bởi nhiều vấn đề không hợp lý. Theo ông Tuấn, dù đề xuất nhà máy xử lý chất thải rắn quốc gia đặt ở địa phương nào thì chắc chắn tỉnh đó cũng không vui. Bên cạnh đó, việc đặt nhà máy tập trung sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn. “Đặt ở một nơi rồi vận chuyển thế nào? Tôi ví dụ như ở tỉnh Thanh Hóa mà vận chuyển rác đi 400, 500km để đi vào nơi xử lý thì chi phí xử lý chất thải, chi phí vận chuyển liệu có hợp lý không?”, ông Lê Minh Tuấn nói và đề xuất vấn đề xử lý chất thải rắn địa phương nào nên xử lý tại địa phương đó.
Ngay tại chương trình, cơ quan lập quy hoạch vùng, cũng là đơn vị thuê tư vấn quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lên tiếng về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phải nghiên cứu lại đề xuất này và đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu lại theo hướng làm cục bộ, chưa chắc phải làm tập trung. "Việc làm khu xử lý tập trung có mặt tốt nhưng cũng có những hạn chế rất lớn như vấn đề thu gom, xử lý tập trung…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã gặp các vấn đề liên quan đến xử lý chất thải rắn (Ảnh: Người dân chặn đường không cho xe rác vào bãi rác ở một địa phương miền Trung) |
Không ai muốn mang rác nhà người khác về nhà mình
Trên thực tế, như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói, trong quá khứ tỉnh đã rất nhiều lần phải đối thoại với người dân về vấn đề chất thải rắn, nhiều lần người dân chặn không cho xe đổ rác vào khu rác thải.
Vấn đề này không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam mà ở rất nhiều địa phương trong cả nước như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Ninh…cũng đã gặp phải. Mà mới đây nhất hồi tháng 7/2023 xảy ra tại tỉnh Bến Tre khi người dân gần bãi rác An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) tập trung chặn đường không cho xe rác vào bãi
Điều này đã chỉ ra là: Không một người dân nào muốn mình ở cạnh bãi rác. Vậy thì, càng không thể có địa phương nào muốn địa phương mình trở thành nơi tập kết rác của cả một vùng lên tới 14 địa phương.
Vì vậy, việc gặp phải phản đối của các địa phương là điều hoàn toàn dễ hiểu. Và cách ứng xử, phản đối của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là đúng.
Bên cạnh đó, như Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu: Nếu hình thành khu xử lý rác thải tập trung thì thu gom, vận chuyển ra sao, chi phí thế nào. Việc phải vận chuyển rác thải đi 1 quãng đường 500 – 700 km là không hợp lý, nếu không nói là lãng phí cả thời gian và nguồn lực.
Nhiều địa phương cho rằng đề xuất xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung cấp quốc gia là không hợp lý |
“Mang rác về nhà” là một văn hóa ứng xử tốt với rác thải rắn. Điều này đúng nếu đó là rác của mình. Hành động đó cũng thể hiện thái độ bảo vệ môi trường công cộng.
Còn, không ai muốn mang rác nhà người khác về nhà mình, chứ không nói đến việc mang cả “núi” rác thải của các vùng về một địa phương.
Vậy tại sao lại có thể đưa ra một đề xuất bất hợp lý như vậy?
Không chỉ đề xuất xây dựng khu xử lý chất thải rắn quốc gia bị phản ứng, trong báo cáo tóm tắt dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương cho rằng dự thảo đã “quên” nhiều nội dung, chủ trương có tính định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045". |