Nêu điện mặt trời lắp mái được triển khai rộng sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả xã hội và người tiêu dùng |
Tích tiểu thành đại
Giáo sư Trần Đình Long cho biết: Trong số những nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, điện mặt trời có tính khả thi cao, dễ thực hiện, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái. Xu hướng của thế giới là không cần làm “hoành tráng” mà hướng đến ngôi nhà thông minh, tích tiểu thành đại, lại không cần phải thay đổi điều kiện cơ sở hạ tầng lưới điện hiện nay.
Theo tính toán của Hội điện lực, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 50-60m2 là có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời công suất 3-4 kW. Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống bao gồm tấm pin, ắc quy, invester, công tơ hai chiều... khoảng 80-100.000 triệu đồng, chỉ sau 6-7 năm có thể thu hồi vốn. Trong tương lai, số tiền đầu tư sẽ giảm xuống khi các sản phẩm thiết bị ngày càng rẻ hơn, nhất là một số sản phẩm, thiết bị đã sản xuất được ở trong nước.
Trên thực tế, điện mặt trời lắp mái hòa mạng đã được triển khai và chứng minh tính hiệu quả. Đơn cử, hệ thống pin mặt trời của Trung tâm Hội nghị quốc gia công suất 154 kWp, trạm pin mặt trời nối lưới đặt trên mái nhà làm việc Bộ Công Thương 12 kWp, trên nóc nhà siêu thị Big C và Trung tâm Thương mại Green Square tại Bình Dương công suất 212 kWp...
Thống kê của EVN cho thấy, cả nước có khoảng trên 24 triệu hộ khách hàng, trong đó có trên 16 triệu hộ ở nông thôn. Chỉ cần triển khai 10% trong số này, Việt Nam sẽ có thêm gần 5.000 MW bằng 3-4 nhà máy nhiệt điện than lớn.
Cần sự hỗ trợ về cơ chế
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh có đặt ra mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió đến năm 2020 đạt khoảng 1.650 MW. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu triển khai theo hình thức tập trung thì sẽ khó đạt được vì chỉ còn 4 năm nữa.
Mặt khác, để đầu tư xây dựng 1MW điện gió cần tới 2 ha đất, 1MW điện mặt trời cần 1 ha đất. Đó là chưa kể đến các yếu tố khác như nguồn vốn, kỹ thuật, diễn biến của thời tiết, thời gian lập dự án đầu tư, thi công xây dựng...
“Kinh nghiệm thực tế ở các nước phát triển, không phải cánh đồng điện gió nào cũng hoạt động trơn tru 100% công suất. Vì vậy, điện mặt trời lắp mái được coi như giải pháp tối ưu hiện nay. Vấn đề là giải quyết nút thắt là cơ chế giá chứ không phải vướng mắc về khoa học kỹ thuật” – Giáo sư Long chia sẻ thêm.
Nếu điện mặt trời lắp mái triển khai rộng rãi sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người tiêu dùng và xã hội. Điện lắp mái dễ dàng đầu tư, lắp đặt nhanh chóng, sửa chữa, bảo dưỡng; nguồn vốn đầu tư không lớn; không tốn diện tích đất mà còn giúp nhà mát hơn về mùa hè. Mặt khác, nó bảo đảm không phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khách hàng lại được hưởng tiền chênh lệch từ giá mua - bán điện. Nghĩa là mua điện theo giá bậc thang quy định và bán điện với cơ chế giá ưu đãi. Còn về phía nhà nước, ngành điện giảm được gánh nặng tài chính để đầu tư xây dựng thêm nguồn điện, địa phương không lo quy hoạch đất cho năng lượng tái tạo.
Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Nếu có một chính sách, cơ chế hỗ trợ như giá bán điện, nguồn tài chính với lãi suất thấp, thủ tục thuận lợi, khi thấy lợi ích người dân sẽ tự làm chứ không cần phải hô hào. |