Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp, nhưng cho biết số lượng còn hạn chế. Ông đề xuất, cần tăng cường chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp này phát huy vai trò dẫn dắt, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức, đòi hỏi cần tập trung nguồn lực và cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân vươn ra quốc tế.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). |
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện được cho là thưa vắng "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Thời gian qua, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp "sếu đầu đàn" như Vingroup, THACO, Hòa Phát, có khả năng dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế.
Ngành công nghiệp của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Do đó, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp "sếu đầu đàn" này có thể thực sự dẫn dắt tăng trưởng, hình thành hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, từ đó vươn tầm quốc tế. Điều này cũng giúp hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn, đóng vai trò then chốt trong các ngành kinh tế trọng điểm và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế và trở thành trụ cột trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam đã có một số doanh nghiệp "sếu đầu đàn" như Vingroup, THACO, Hòa Phát, có khả năng dẫn dắt nền kinh tế |
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn là những "doanh nghiệp đầu tàu" hay "sếu đầu đàn" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất. Là đơn vị quản lý ngành về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng trọng điểm, theo ông, khó khăn từ phía cơ quan quản lý cũng như bản thân doanh nghiệp cụ thể ra sao?
Chúng ta đã nói đến ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần "Người Việt dùng hàng Việt" khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước ngoài. Những năm 2000 trở về trước, các chính sách hội nhập kinh tế chưa phát triển như hiện nay. Hiện Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), và người tiêu dùng trong nước có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm hàng hóa của các nước trên thế giới ở Việt Nam.
Quá trình hội nhập, mở cửa thị trường cũng mang lại những khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, tự nâng cao năng lực, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu; xây dựng chiến lược xuất khẩu bài bản để thích ứng với các thị trường nhập khẩu.
Nhưng, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu ra quốc tế, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Vậy, về phía Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì nhằm nâng cao năng lực cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn mang tính chất nền tảng phát triển, thưa ông?
Bộ Công Thương đã nắm rõ nhu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp, cũng như thực tế hiện nay. Trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho các cấp từ Chính phủ đến Quốc hội… nhiều chính sách để phát triển công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Gần đây nhất, Bộ đã xây dựng dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đưa ra một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển thị trường.
Tuần trước, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài và Cục Công nghiệp đã làm việc với huyện Đông Anh để tiếp tục các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang được giao xây dựng luật về sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, nhằm giải quyết những vấn đề về kết nối, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi và phát triển thị trường.
Trong giai đoạn vừa qua, dự thảo Luật Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được sửa đổi, đang trình Chính phủ. Dự thảo Luật nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, làm cơ sở sở pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Các doanh nghiệp đầu đàn, tập đoàn kinh tế phát huy hết vai trò đột phá, kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng dẫn dắt kết nối ngành công nghiệp mũi nhọn, huy động tối đa nguồn lực phát triển để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo ông đâu là mấu chốt của vấn đề?
Để xây dựng doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về doanh nghiệp và sửa đổi quy định liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu, phân cấp quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho người đại diện. Cần có cơ chế giữ lại nguồn lực như thoái vốn, cổ phần hóa và lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, vì doanh nghiệp nhà nước đang chịu nhiều ràng buộc.
Tôi lấy ví dụ, Tập đoàn VEAM là một doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp, hiện có ba liên doanh trong lĩnh vực ô tô với các tập đoàn lớn như Toyota, Honda và Ford, đem lại lợi nhuận từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do cơ chế phức tạp, nguồn vốn này chưa được sử dụng hiệu quả vì phải chuyển về Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội để phát triển.
Xin cảm ơn ông!