Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, tại sao không?
Điều đáng nói, mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông… Như vậy, việc duy trì nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe được nhiều ý kiến nhận định là cần thiết.
Cần có trách nhiệm với bản thân và xã hội
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, 50% người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Thực tiễn đã chứng minh, nếu lái xe uống rượu, bia ở mức độ cồn trong máu là 80mg/100ml thì xác suất va chạm cao gấp 2,7 lần. Nếu uống rượu, bia có nồng độ cồn trong máu là 160mg/100ml, xác suất tai nạn là 30 lần và nếu nồng độ tăng lên 240mg/100ml sẽ tăng tỷ lệ xác suất tai nạn giao thông 150 lần.
Việc duy trì nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe là cần thiết (Ảnh minh họa) |
Dưới góc độ y tế, các chuyên gia đã chỉ ra: Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn làm giãn các mạch máu, đặc biệt là mạch máu ngoại biên, vì thế tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế lớn trong việc điều khiển phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong một số nghiên cứu về tác hại của rượu, bia cho kết quả: Nếu uống 50g cồn hàng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.
Ở góc độ văn hóa, có chuyên gia đã phải thốt lên: Văn hóa người Việt sẽ không thể thiếu đi rượu, bia nhưng cũng không thể sử dụng rượu, bia một cách thiếu văn hóa, thậm chí còn trở thành tệ nạn, vấn nạn. Nổi cộm nhất là vấn nạn lái xe sau khi sử dụng rượu, bia hay xảy ra xô xát trong bữa nhậu…
Để khắc phục những sự việc đáng tiếc từ hệ lụy này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngay khi Nghị định có hiệu lực, số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể.
Song song với đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã thể hiện rõ tinh thần không khoan nhượng với người tham gia lưu thông có sử dụng rượu, bia.
Thực hiện quy định này, người dân đã hình thành thói quen từ chỗ sợ bị phạt thành không dám uống rượu, bia khi lưu hành phương tiện giao thông. Điều đó cho thấy, thói quen uống rượu, bia đã có sự thay đổi tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ.
Đã uống rượu, bia thì không lái xe
Là giáo viên lái xe lâu năm, anh Dư Công Đức (ở Hà Nội) chia sẻ: Hiệu quả của quy địnhcấm lái xe khi đã uống rượu, bia là minh chứng cho thấy các quy định này phù hợp với Việt Nam và nên được tiếp tục thực hiện nghiêm. Rất nhiều người Việt đang dần hình thành thói quen không uống rượu, bia khi lái xe và nếu đã uống thì không lái xe, đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa phải tất cả mọi người tham gia giao thông đều có ý thức tốt thì việc kiểm tra nồng độ cồn là cần thiết và cần duy trì chủ trương này, thậm chí nên làm thường xuyên, liên tục.
“Việc cấm tuyệt đối lái xe khi tham gia giao thông khi uống rượu, bia như quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoàn toàn phù hợp. Trước hết là để tạo thói quen cho người tham gia giao thông: Khi đã uống rượu, bia thì không lái xe. Hơn nữa, tạo sự an toàn cho chính bản thân họ và gia đình...”, anh Đức nói.
Đồng quan điểm với anh Đức, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, dù việc xử phạt nồng độ cồn đã được thực hiện một thời gian dài nhưng những trường hợp vi phạm vẫn diễn ra. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại cả người và của vẫn tiếp diễn, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Tình hình sẽ còn phức tạp, hậu quả sẽ đến mức nào nếu quy định được nới lỏng, chấp nhận độ cồn nhất định?
Và thực tế trước đây ở các quy định cũ cũng đã áp dụng với ngưỡng được cho phép dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở khi điều khiển xe tham gia giao thông, nhưng số vụ tai nạn vẫn tăng. Các con số chỉ giảm khi luật mới có hiệu lực, cấm tuyệt đối.
Trước Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công chủ trương cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Thậm chí, ở những nước này, khi lái xe trong máu có nồng độ cồn, dù gây tai nạn hay không thì tài xế vẫn bị xử lý hình sự.
Ví dụ tại Australia, khi có bằng thực tập, lái xe không được có nồng độ cồn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí Chính phủ nước này còn bỏ tiền ra mua quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, YouTube để nhắc nhở lái xe trẻ tuổi. Vi phạm các quy định về nồng độ cồn trong 100ml máu sẽ bị tước bằng ít nhất 3 tháng và phạt ít nhất 2.000 AUD (tương đương 32 triệu đồng). Khi hình phạt lặp lại nhiều lần, lái xe mất hết điểm và phải thi lại bằng. Trong những đợt nghỉ lễ, số điểm phạt có thể nhân hai, nhân ba hoặc thậm chí nhiều hơn.
Tranh luận về quy định “độ cồn bằng 0”, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại bởi trong cơ thể, thức ăn đồ uống vẫn có khả năng lên men sinh ra độ cồn nhất định. Trả lời trong 1 bài viết của báo VietNamNet, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khẳng định, ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực vào năm 2020, cơ quan này đã thực nghiệm trên 150 test thử với nhiều loại hoa quả, thuốc ho, nước súc miệng, nước trái cây lên men… kết quả cho thấy người ăn, uống các loại này không ghi nhận trong cơ thể có nồng độ cồn.