Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trong ngày mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024, số vụ tài xế vi phạm nồng độ cồn tăng vọt với 6.168 trường hợp, cao nhất từ đầu kỳ nghỉ Tết. Tổng số vụ vi phạm nồng độ cồn trong 5 ngày Tết (từ 30 đến mùng 4 Tết) mà cơ quan chức năng cả nước đã xử lý là hơn 22.000 trường hợp.
Từ Tết năm ngoái, việc kiểm tra và xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được thực hiện nghiêm và gần như tạo thành nếp trong cả năm. Và đến dịp Tết Giáp Thìn này, mọi người dân đều nhận thấy, sự khắt khe của lực lượng chức năng đối với vấn đề này được nâng lên một tầm cao mới, đến mức triệt để.
Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Giáp Thìn 2024 |
Năm nay, ngay từ trước Tết, những chốt kiểm tra nồng độ cồn được đặt trên khắp các tuyến đường và tinh thần này không hề giảm hay lơi lỏng trong suốt kỳ nghỉ lễ. Dân nhậu cũng ý thức được rằng, nếu vẫn liều lĩnh cầm tay lái khi đã có hơi cồn, cơ hội “lọt” qua chốt là rất nhỏ; đặc biệt, khi đã bị kiểm tra thì cơ hội “xin thông cảm” hoàn toàn không có.
Động thái quyết liệt trong chỉ đạo và xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông cũng được xem như “liều thuốc” trị “bệnh” ép uống rượu bia ngày Tết. Minh chứng là trong tiềm thức của nhiều người Việt, Tết này không chỉ có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” mà còn có thêm “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “đã uống rượu, bia là bắt taxi về nhà”, “ép uống rượu, bia thì lì xì 7 triệu đồng đóng phạt”,…
Theo một nhà nghiên cứu về xã hội học, sự hiện diện của những chốt thổi nồng độ cồn trong năm qua và đặc biệt suốt Tết chính là thông điệp: Lực lượng chức năng đã không coi việc kiểm soát nồng độ cồn là chiến dịch trong từng thời điểm mà thực hiện thường xuyên, liên tục, thậm chí làm chặt hơn.
Việc dùng rượu, bia trong những ngày xuân đã thành phong tục của người dân |
Điều này đồng thời tạo nên một nề nếp mới trong các buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ đầu năm. Rượu bia vẫn có trên mâm, nhưng không dành cho tài xế. Chẳng những không “ép” nhau uống như thói quen xấu tồn tại bao nhiêu năm trước, khi nâng chén, người cùng mâm thậm chí còn nhắc nhở nhau: “Chú lái xe thì chỉ cụng ly cho vui thôi, đừng uống”, hay “chú uống nhiều thế thì lái xe không an toàn, lát nữa chú ngủ lại đây hoặc bọn cháu gọi xe cho chú về’’…
“Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu cảnh sát giao thông cũng quyết liệt như vậy đối với các vi phạm khác, như nạn lấn làn, cướp làn đường của xe ưu tiên, chở những thanh sắt, tấm tôn sắc nhọn bằng xe tự chế, chẳng khác nào chở theo những cỗ máy chém trên đường…”, vị chuyên gia nói và cho biết, nếu như tinh thần kiểm soát triệt để việc lái xe sau khi uống rượu bia như Tết Nguyên đán Giáp Thìn vẫn tiếp tục được duy trì thì tin rằng chỉ sau một vài năm, cái gọi là “văn hóa ép rượu” sẽ bị xóa bỏ ở Việt Nam. Còn khái niệm “văn hóa uống rượu” sẽ trở về đúng với ý nghĩa của nó - uống một cách có văn hóa, vừa đủ để hưng phấn, vui vẻ trong các cuộc gặp gỡ và đặc biệt đã uống thì không lái xe.
Vị chuyên gia nói thêm, nói đến thổi nồng độ cồn ai cũng sợ, nhiều người từ chối uống bia, rượu với lý do “sợ bị cảnh sát giao thông xử phạt”,… chứng tỏ, sự tuân thủ của người dân là do mức phạt cao chứ chưa hẳn vì lo cho sự an toàn của bản thân.
“Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền mà tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia đã có sự chuyển biến theo hướng được kiểm soát, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, phần đa ý thức người dân mới chỉ dừng lại ở mức độ đối phó với các cơ quan chức năng chứ chưa thực sự hiểu tác hại của việc uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả bản thân và xã hội”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Đề cập vấn đề bia, rượu ngày Tết, TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho hay, việc dùng rượu, bia trong những ngày xuân đã thành phong tục của người dân. Rượu đã thành rượu lễ, rượu nghĩa. Tức là uống rượu phải có nghi thức, có phép tắc và uống rượu chỉ trong chừng mực. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy biết “Vui có chừng, dừng đúng lúc”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, đừng vì cạn ly mà để cạn mất sức khỏe của bản thân.
“Bia rượu là một thức uống đặc biệt, cần thiết. Nhưng uống bia rượu phải có một “văn hóa” ẩm thực đặc thù: Uống đúng - “tiên tửu” bia rượu là món “thăng hoa cuộc sống”; Uống sai - “phàm tửu”, lạm dụng thì bia rượu sẽ là con “quỷ dữ” phá hại bản thân, gia đình và xã hội”, TS.BS Trần Bá Thoại nói.