Cải tiến năng suất: Bắt đầu từ con người
Theo đó, từ năm 2017 - 2018 , Viện Năng suất Việt Nam đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo, hỗ trợ áp dụng thí điểm mô hình Lean - 6 Sigma cho các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, điện tử và cơ khí” thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công thương. Qua đó, 161 học viên đến từ các doanh nghiệp thuộc các ngành này được đào tạo các kiến thức cơ bản của Lean 6 Sigma, cách thức triển khai Lean - 6 Sigma tại doanh nghiệp. Từ đó, lựa chọn và đào tạo được 31 chuyên gia thực hành Lean - 6 Sigma đai vàng và 24 chuyên gia thực hành Lean - 6 Sigma đai xanh. Đây là nền tảng, cơ sở để nhân rộng áp dụng mô hình này trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Các học viên tham gia khóa đào tạo “Chuyên gia thực hành Lean - 6 Sigma” |
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất (VNPI) - nhận định: Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp ngành công nghiệp phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để có thể tham gia các chuỗi giá trị trên toàn cầu. Việc tham gia Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới được cho là cú húych giúp các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử... tăng trưởng mạnh. Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hội nhập, một trong những biện pháp mà ngành công nghiệp cần tập trung giải quyết đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo đội ngũ nhân viên có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại, bao gồm cả công nghệ quản lý.
“Việc ứng dụng mô hình Lean - 6 Sigma sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, giá thành giảm, tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo bà Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Tư vấn, Cải tiến năng suất – VNPI, nếu kết hợp Lean với 6 Sigma, các doanh nghiệp sẽ có thể đạt được 7 lợi ích vàng cho sự tăng trưởng của mình: Giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí quản lý, gia tăng sự hài lòng khách hàng, giảm thời gian cung ứng hàng, giao hàng đúng hẹn, sản xuất linh hoạt... Do vậy, trước hết các doanh nghiệp phải đào tạo một đội ngũ cán bộ nòng cốt về cải tiến năng suất tại doanh nghiệp. Nếu như chuyên gia Lean 6 Sigma đai vàng thường là những người vận hành quá trình, theo nghĩa sản xuất hoặc văn phòng (giao dịch) thì chuyên gia Lean 6 Sigma đai xanh là trưởng nhóm dự án chịu trách nhiệm thực hành dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc công việc. Yêu cầu đối với họ cũng cao hơn, cụ thể họ cần phải có kỹ năng về tính toán, nhất là công cụ kiểm soát quá trình bằng thống kê và phải thành thạo công việc chuyên môn của mình.
Với mong muốn nhân rộng đội ngũ cán bộ có thể xác định và triển khai các dự án cải tiến trong doanh nghiệp ngành công nghiệp, Viện Năng suất Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các khóa tập huấn chuyên sâu về Lean - 6 Sigma đai vàng, đai xanh, đai đen cho tất các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp và trên phạm vi toàn quốc. |