Dấu ấn trên những công trình trọng điểm
Cách đây gần 12 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025. Theo đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Viện Nghiên cứu Cơ khí cung cấp |
Vượt lên những khó khăn về điều kiện nghiên cứu, đến thời điểm hiện tại, nhiều đề tài khoa học đã ghi dấu ấn trên công trình trọng điểm. Tiêu biểu, đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% và thiết bị tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Gây tiếng vang không kém là Dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1 với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%. Hay đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”; “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình”…
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy điện, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành.
“Từ thành công của dự án đầu tiên, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW)” - TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết.
Đáng nói, sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1KG sản phẩm, góp phần phát điện sớm 3 năm với Nhà máy thủy điện Sơn La và 1 năm với Nhà máy thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Cũng chưa dừng lại ở đó, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, nổi bật là việc thiết kế và chế tạo đồng bố 2 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5km cho mỗi nhà máy.
Hiện nay các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ thành công của nhiệm vụ, các đơn vị trong nước tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đã được các chủ đầu tư tín nhiệm, tiếp tục giao cho các dự án khác như: Nhà máy tuyển quặng Bảo Lộc 200.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển Lâm Đồng 1.700.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển quặng Nhân Cơ 1.700.000 tấn/năm…
TS. Phan Đăng Phong khẳng định, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ qua đó đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…
"Những thành công ban đầu của Viện là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công Thương trong công tác nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ cũng như sự giúp đỡ cụ thể từ ngân sách thông qua các đề tài cấp Bộ, dự án cấp quốc gia" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong thông tin.
Không chỉ trong lĩnh vực cơ khí, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác của Bộ, mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Đáng chú ý, ngành Công Thương đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 cho 8 công trình/cụm công trình trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí.
Đây là sự đánh giá, ghi nhận hết sức có ý nghĩa của Nhà nước đối với nỗ lực của ngành Công Thương trong việc triển khai công tác khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tiêu biểu, cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” do Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông chủ trì, gắn với dự án phát triển, xây dựng cụm giàn khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh mang tên “Biển Đông 01” - là dự án trọng điểm quốc gia, được triển khai trong điều kiện đặc biệt phức tạp, có quy mô lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật - công nghệ.
Được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6, công trình này được đánh giá có giá trị khoa học và công nghệ cao, không chỉ áp dụng cho Dự án Biển Đông 01 mà còn có đóng góp quan trọng cho việc phát triển các dự án khai thác nước sâu xa bờ khác; khẳng định sức mạnh nội lực, kỹ năng quản lý, trình độ của ngành dầu khí Việt Nam hoàn toàn đủ sức làm chủ, phát triển được những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới, chinh phục được những mỏ dầu khí có điều kiện phức tạp nhất.
Cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6, cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0” của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã làm chủ được quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thông qua việc nghiên cứu tính chất vật lý, địa chất, đất đá xung quanh thành giếng kết hợp với kết quả nghiên cứu địa chất để tính toán trữ lượng dầu khí của các khu vực, các mỏ, bể trầm tích, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành địa vật lý của Việt Nam.
Cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí, đã giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam với những điều kiện hiếm gặp trên thế giới, đóng góp trực tiếp tới sự thành công của dự án Biển Đông 01, qua đó đưa đơn vị trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có đủ năng lực EPCI cho các dự án giàn công nghệ trung tâm CPP và các công trình dầu khí siêu trường, siêu trọng.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và làm chủ công nghệ của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là trong việc thiết kế, thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt các công dầu khí siêu trường siêu trọng ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Một minh chứng khác là Cụm công trình khoa học và công nghệ về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp chủ trì thực hiện được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6.
Khoa học và công nghệ "bám rễ" trong mọi lĩnh vực
Chia sẻ về những đóng góp của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của ngành Công Thương thời gian qua, ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ, ví dụ như: Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành.
Hệ thống thuyền xỉ tại nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Viện Nghiên cứu Cơ khí cung cấp |
Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới...
Ở lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm, đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018.
Đơn cử, trong khai thác hầm lò, mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa được nâng cao thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới như sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò;
Còn trong lĩnh vực hóa dược, việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh.
Một số sản phẩm điển hình được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học như: Viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não (được sản xuất và thương mại hóa bởi Công ty Traphaco); sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ (Công ty Dược phẩm Mediplantex); chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc (Công ty Vimedimex)…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ, dự án khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh (giảm khoảng 60-70%) so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, dần chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam. Thành công từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong giai đoạn vừa qua là tiền đề quan trọng để Đảng và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp sinh học;
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ quá trình hoàn thiện các định hướng, chính sách phát triển Ngành. Nhiều vấn đề mới, có tác động sâu, rộng tới phát triển ngành đều nhanh chóng được đưa vào nội dung nghiên cứu khoa học, luận cứ rõ ràng cho những chủ trương, chính sách mà Bộ và Chính phủ đưa ra, trở thành các quyết sách lớn, góp phần tạo cú hích cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành.
Chẳng hạn như, chính sách về nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp với khởi điểm từ những năm 2000, đã trở thành tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện phục vụ việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Nghiên cứu chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong bối cảnh và thách thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong các ngành công nghiệp cũng là căn cứ quan trọng hình thành nên các chính sách, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần quan trọng cho quá trình chuyển đổi từ mục tiêu tăng trưởng sang phát triển bền vững; nghiên cứu chính sách nhằm hỗ trợ quá trình đàm phán, tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hỗ trợ chính sách mở cửa và tham gia vào thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam…
Tiến sĩ Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) đánh giá, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nói chung, cán bộ khoa học và công nghệ ngành Công Thương nói riêng, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng thay đổi tư duy quản lý các cấp, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó, làm tăng năng suất lao động, đạt bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,88%, cao nhất khối ASEAN và trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao ở châu Á.
Theo Bộ Công Thương, khoa học và công nghệ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phạm vi quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Ở tầm vĩ mô, sự phát triển của khoa học và công nghệ có tác động quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu. Sản phẩm khoa học và công nghệ đóng góp trực tiếp vào GDP. Khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Ở phạm vi doanh nghiệp, khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Một quốc gia có tiềm lực khoa học và công nghệ là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao.
Trong 10 năm trở lại đây, với vai trò và đóng góp ngày một nhiều hơn của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát và tích cực phối hợp với các cơ quan của Đảng và Chính phủ như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương cung cấp những cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động, một số luận điểm lý luận phục vụ công tác xây dựng các chính sách và chủ trương lớn của Đảng về chiến lược phát triển của ngành cũng như định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều công trình nghiên cứu ngành Công Thương đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. |
Bài 3: Hướng đến sản xuất thông minh, làm chủ công nghệ 4.0