Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0: Ưu tiên hàng đầu Bài 2: Gieo nỗ lực, gặt thành công trong nghiên cứu khoa học Bài 1: Những quyết sách tạo động lực phát triển khoa học và công nghệ |
Nhanh chóng nắm bắt nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, xác định rõ yêu cầu “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành dầu khí |
Bên cạnh đó, Nghị quyết 23- NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh”.
Nghị quyết 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có sự vào cuộc nhanh chóng để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ trong đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại thông qua tuyên truyền phổ biến thông tin; hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế.
Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sản xuất thông minh.
Về phía các tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp cũng đã thực hiện việc quán triệt các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50-NQ/CP của Chính phủ và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ cấp lãnh đạo tới người lao động, từ đó đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của các đơn vị. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về cách mạng công nghiệp 4.0, các đơn vị đã đi vào triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.
Thực tiễn trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải, nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương…
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng, hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực.
“Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được trong doanh nghiệp được triển khai một cách mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực nội tại từ đó tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Đồng thời, các doanh nghiệp đang tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.
Điển hình, trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên; trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đang tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa; ngành dầu khí đang thực hiện chuyển đổi số ở Tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên.
Minh chứng cụ thể hơn, ở lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, EVN đã triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), phần mềm quản lý nguồn nhân lực HRMS, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office)…; ở lĩnh vực truyền tải, 80% trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ trong các trạm biến áp đều sử dụng rơle số; đối với lĩnh vực phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…
Trong lĩnh công nghệ thực phẩm, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cũng là một điển hình với hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Công Hoàng - Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, nhận thức được những ưu thế của việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất của doanh nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam trong những năm qua đã từng bước triển khai nhiều hạng mục công việc để ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và điều hành sản xuất và kinh doanh.
Cụ thể, xây dựng các nghị quyết, chính sách, chương trình hành động để triển khai đồng bộ việc ứng dụng các phần mềm quản lý, phần mềm điều khiển tự động vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty.
Tổng công ty đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất ở tất cả các khâu như: Trồng và quản lý cây nguyên liệu gỗ ở các công ty lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ mới vào công tác bán hàng, công tác quản lý kho và vật tư; công tác quản lý nhân sự và kế toán doanh nghiệp; thay thế và tự động hóa dần các thiết bị trên dây chuyền sản xuất bột giấy, sản xuất giấy, gia công và chế biến sản phẩm giấy.
Ngoài ra, Tổng công ty đã và đang xây dựng các chiến lược đầu tư mở rộng, đầu tư mới để phát triển toàn diện, lựa chọn những công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao, đồng nghĩa với việc tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu.
Nhờ đó, hiện nay, năng lực sản xuất giấy tại công ty mẹ của VINAPACO có thể đạt xấp xỉ 120.000 nghìn tấn giấy/năm, sản phẩm giấy chủ yếu là giấy in, giấy viết, giấy copy. Chất lượng sản phẩm giấy đạt tiêu chuẩn quốc tế và đã được khách hàng đánh giá rất cao, công tác bảo vệ môi trường luôn đạt theo tiêu chuẩn quốc gia. Quá trình sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy.
Không chỉ ở "địa hạt" ứng dụng công nghệ, các viện nghiên cứu ngành Công Thương cũng đã nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ví dụ, trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã nghiên cứu và chuyển giao thành công hệ thống phân loại tự động tích hợp camera AI (trí tuệ nhân tạo), phục vụ cho ngành logistics. Qua quá trình hoạt động thực tế tại Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế kỷ cho thấy, hệ thống có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày). Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã nghiên cứu, xây dựng giải pháp “Dự đoán đá móng nứt nẻ bằng các thông số trong quá trình khoan giếng khoan sử dụng mô hình học máy (Machine Learning - ML) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)” giúp xác định chính xác sự hiện diện của các hệ thống nứt nẻ dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Các thông số như: Moment xoắn, tải trọng choòng khoan, lưu lượng dòng chảy, vận tốc quay của roto, áp suất đứng cột cần khoan… sẽ được sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho các thuật toán học máy được giám sát; sau đó các mô hình sẽ được sàng lọc, xếp hạng, đánh giá để tìm ra mô hình tối ưu nhất cho dự báo nứt nẻ.
Kết quả được thể hiện trên nền tảng MLOps, giúp nâng cao hiệu quả công tác khoan, đặc biệt là xác định chính xác những khoảng độ sâu xuất hiện nứt nẻ, hỗ trợ người điều hành ra quyết định nhanh, tiết kiệm thời gian và chi phí khoan giếng (chi phí tiết kiệm sẽ phụ thuộc vào kế hoạch khoan cụ thể từng nhà thầu, các phương án xử lý trong quá trình khoan nếu có, nhưng được ước tính sơ bộ lên tới hàng trăm nghìn USD ở mức giá thiết bị, nhân lực chuyên gia tại năm 2022).
Phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu
Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhận định, qua làm việc với các doanh nghiệp của Bộ Công Thương trong thời gian qua, có thể thấy hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Các doanh nghiệp đang tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.
Ngành điện lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất, kinh doanh |
"Rõ ràng, đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong hoạt động triển khai của doanh nghiệp để tiếp cận và sẵn sàng nắm bắt, làm chủ những xu hướng công nghệ mới" - ông Cường nhận xét, đồng thời cho rằng, phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng.
Để làm được điều này, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo ông Cường, vai trò, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt cao và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác và kịp thời.
Không chỉ là vấn đề nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra những giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Công nghệ số giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản địa lý để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đây là điều mà trước đây rất khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở những địa bàn khó khăn. "Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa các công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tiến nhanh về phía trước, tạo ra những bước phát triển đột phá" - ông Cường nhấn mạnh.
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhìn nhận được những cơ hội cũng như những lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại. Tuy nhiên, để tận dụng được hay nói cách khác, để trở thành một nhà máy thông minh, một doanh nghiệp số sẽ cần một hành trình dài với quyết tâm của doanh nghiệp cũng như vai trò đòn bẩy, hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai nội dung này. Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về sản xuất thông minh trong các lĩnh vực: Cơ khí, nhựa, điện tử, bia, logistics. Các nội dung này đã được chúng tôi triển khai lồng ghép trong các Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ được xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt đều đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. "Chúng tôi hy vọng kết quả từ những mô hình cụ thể trong giai đoạn vừa qua, cùng hoạt động triển khai trong thời gian tới sẽ được đánh giá, nhân rộng cho các doanh nghiệp trong ngành" - ông Cường nói.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có thể mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.
Thiết kế nội dung của Đề án sẽ tập trung cụ thể hóa những hoạt động hỗ trợ cũng như việc xây dựng năng lực, hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp ngành Công Thương. Đây sẽ là đòn bẩy, cú hích quan trọng để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin thêm, sản xuất thông minh chính là đích đến của một nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình này thông qua việc lựa chọn một chiến lược và lộ trình phù hợp cùng với xu hướng phát triển và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng, đặc biệt là trong khu vực sản xuất khi xuất phát điểm của các doanh nghiệp ở mức thấp.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành đánh giá hiện trạng phát triển của doanh nghiệp so với yêu cầu của sản xuất thông minh, xác định những điểm then chốt cần giải quyết nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp; đồng thời xem xét xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm hỗ trợ của các nước trên thế giới để xác định các giải pháp ưu tiên trong thời gian tới, trong đó, tập trung vào các nhóm sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động tới các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, gồm: Con người, trong đó tập trung vào tư duy chiến lược và tổ chức; năng lực tổ chức, triển khai, làm việc trong môi trường số với khả năng hấp thụ, ứng dụng, làm chủ và làm việc cùng các thiết bị, công nghệ mới; tri thức, công nghệ, trong đó cần triển khai, nâng cấp đồng thời và đồng bộ công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị và công nghệ số; hạ tầng và môi trường, văn hóa doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đồng thời duy trì quá trình triển khai liên tục.
Thứ hai, nhóm giải pháp tác động tới các yếu tố hỗ trợ, tác động tập trung vào việc nâng cao chỉ số môi trường công nghệ quốc gia gắn với các yếu tố về sản xuất thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lực công nghệ và thử nghiệm sản phẩm, tài nguyên và hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số và sản xuất thông minh; đồng thời phát triển mạng lưới các đơn vị hỗ trợ về đào tạo nhân lực, cung cấp giải pháp kỹ thuật, công nghệ…
Và các giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung, trong đó, tập trung vào thiết lập các yếu tố về môi trường kỹ thuật và yếu tố môi trường phát triển như hình thành Khung kiến trúc chuyển đổi số sản xuất và Kiến trúc công nghệ của nhà máy thông minh, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá mức độ sẵn sàng và mức độ trưởng thành của các yếu tố cấu thành cũng như tổng thể quá trình chuyển đổi số phục vụ sản xuất thông minh.
Xây dựng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất tự động hóa nhờ ứng dụng các giải pháp thiết bị hiện đại giúp doanh nghiệp tối ưu quá trình sản xuất với độ chính xác cao, giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa. Trong thời đại công nghệ 4.0 đây sẽ là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần hướng đến, để cạnh tranh và tồn tại. |
Bài 4: Tạo bệ phóng vững chắc để khoa học và công nghệ tăng tốc