Bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu của tội phạm sử dụng công nghệ AI
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường lợi dụng những ứng dụng xuyên biên giới để lập những hội, nhóm lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí đe dọa người dùng, nhất là những hội nhóm “làm nhiệm vụ nhận thưởng” vẫn được lập tràn lan.
Thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ AI ngày càng phổ biến |
Có những đối tượng đã sử dụng AI để tạo ra các video nhạy cảm, sử dụng chúng để tống tiền người dùng, nếu không sẽ gửi cho người thân và bạn bè của họ trên mạng xã hội. Khi bị vạch trần thủ đoạn, các đối tượng còn thách thức người dùng báo cáo các cơ quan chức năng, tự tin vì chúng đang ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, với sự tiến bộ của AI, những video giả mạo khiến người xem khó có thể phân biệt đó là thật hay giả, cùng với sự lan tỏa nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng bị thủ đoạn này tấn công sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trước vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khi công nghệ AI được phát triển, việc phát hiện và phân biệt giữa nội dung thật và giả trên không gian mạng sẽ trở nên khó khăn hơn và bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu, nạn nhân tấn công mạng của tội phạm sử dụng công nghệ AI. Tuy nhiên, có trở thành nạn nhân hay không, còn phụ thuộc vào việc trang bị kiến thức và thông tin cần thiết của mỗi người.
“Tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ AI này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn có ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn tận gốc” - đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Cần làm gì để đối phó với các hình thức lừa đảo tinh vi?
Cũng theo Cục An toàn thông tin, trong giai đoạn hiện nay, biện pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn và cách thức để nhận biết, đối phó với hình thức giả mạo tinh vi này giúp làm giảm và hạn chế tác động của deepfake tới các hoạt động trên không gian mạng. Chủ động đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi có những diễn biến, hình thức lừa đảo mới.
Cụ thể, các cách phòng tránh gồm: Trước nguy cơ cả hình ảnh và giọng nói đều có thể bị giả mạo, nên cho dù có tin tưởng thì vẫn phải xác minh. Đừng vội truy cập bất kỳ đường link nào để đề phòng nguy cơ bị hack tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Bên cạnh đó, hạn chế sự hiện diện trên mạng xã hội, hoặc đặt tài khoản của mình ở chế độ riêng tư, chỉ chấp nhận yêu cầu từ những người tin tưởng để phòng ngừa, ngăn chặn việc dữ liệu hình ảnh, âm thanh của mình bị sao chép. Việc hạn chế quyền truy cập vào giọng nói và hình ảnh cá nhân giúp loại trừ khả năng hình ảnh bị lợi dụng.
Quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân của mình. Tuyệt đối không nên đưa lên mạng các thông tin như số căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, ngày sinh, số điện thoại, tên của con cái...
Ngoài ra, trong trường hợp nhận được các cuộc gọi đe doạ tống tiền bằng hình ảnh hay video nhạy cảm, người dân cần bình tĩnh, xác minh và tìm hiểu kĩ nguồn gốc của hình ảnh, video.
Đồng thời, người dân cần nâng cao nhận thức về những vấn đề an toàn không gian mạng, tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết về hình thức lừa đảo sử dụng AI để tránh bị sập bẫy chiếm đoạt tài sản hay lộ lọt thông tin cá nhân phục vụ vào mục đích xấu. Không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh…
“Nếu bị làm giả Deepfake hay lừa đảo trực tuyến nói chung, người dùng nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết và báo cơ quan công an tại nơi cư trú” - đại diện Cục An toàn thông tin nói.