Cải cách tiền lương: Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thay đổi thế nào?
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những thay đổi này sẽ gia tăng quyền lợi của hàng triệu người dân, người lao động thụ hưởng chính sách này.
Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu
Quốc hội thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Nhiều thay đổi về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm ảnh hưởng đến người tham gia |
Điều này đánh dấu sự khởi đầu của việc cải cách toàn diện chính sách tiền lương ở nước ta, không chỉ mang lại “hơi thở” mới cho hệ thống lương hưu mà còn cả tới các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác, tất cả đều được điều chỉnh tăng lên từ ngày 1/7/2024.
Tuy nhiên, để xác định lương hưu năm 2024 tăng bao nhiêu phần trăm còn phải chờ có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ.
Theo khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.
Điều chỉnh trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương cơ sở. Ví dụ như trợ cấp 1 lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng.
Khi thực hiện cải cách tiền lương dẫn đến không còn hệ số lương và mức lương cơ sở. Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH nêu trên cũng sẽ thay đổi. Căn cứ theo Nghị quyết số 104/2024, các khoản trợ cấp này từ 1/7/2024 sẽ được tăng.
Hiện Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể. Theo đó, dự kiến trợ cấp dưỡng sức sau sinh, ốm đau là 540.000 đồng/ngày; trợ cấp 1 lần khi sinh con là 3,6 triệu đồng/con…
Những thay đổi này được thực hiện trong bối cảnh cải cách tiền lương, khi mà hệ số lương và mức lương cơ sở không còn là cơ sở tính các khoản trợ cấp. Thay vào đó, Chính phủ sẽ đề xuất quy định các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng số tiền cụ thể, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Sẽ chênh lệch lớn lương hưu của người nghỉ trước và sau cải cách tiền lương từ 1/7
Đó là nhận định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về mức lương hưu sau cải cách lương hưu từ 1/7/2024 do nguyên tắc đóng hưởng. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương sau cải cách tiền lương càng dài thì lương hưu càng tăng và cao so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng mức tiền lương mới cao hơn mức lương theo hệ số quy định như hiện hành.
Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm đối tượng này hiện là 6,936 triệu đồng/tháng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến từ 1/7/2024, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân tăng thêm 54,89%.
Theo phân tích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do chế độ lương hưu đang thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít) người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương sau cải cách càng dài thì mức bình quân tiền lương tháng đóng để tính lương hưu, trợ cấp một lần cũng tăng tương ứng và cao hơn so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.
Điều này dẫn đến việc chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới.