Các "ông lớn" ngành dầu khí nhấn mạnh cam kết chung giảm khí thải
Chủ tịch COP28 kêu gọi ngành năng lượng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào hoặc trước năm 2050 và đẩy nhanh cam kết toàn ngành về đạt lượng methane phát thải gần bằng không vào năm 2030.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber nhấn mạnh ngành dầu khí cần phải là một phần trong cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 1/10, người đứng đầu của hơn 50 doanh nghiệp gồm các công ty dầu khí (đại diện phía cung) và các công ty nhôm, thép và xi măng (phía tiêu thụ) đã nhóm họp tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để thống nhất về một cam kết mạnh mẽ trong cắt giảm lượng khí thải carbon trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Hội nghị dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11 - 12/12.
Cuộc họp do Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber triệu tập, có sự tham dự của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry. Mục đích của cuộc họp là giải quyết các vấn đề như thương mại hóa hydro, thúc đẩy công nghệ thu hồi carbon, loại bỏ khí metan và tăng cường năng lượng tái tạo năng lượng.
Nhấn mạnh đến vai trò của các công ty sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng hóa thạch trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch COP28 al-Jaber nhấn mạnh ngành dầu khí cần phải là một phần trong cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu.
Ông kêu gọi ngành năng lượng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào hoặc trước năm 2050 và đẩy nhanh cam kết toàn ngành về đạt lượng methane phát thải gần bằng không vào năm 2030.
Ông Adnan Amin, quản lý điều hành COP28 cho biết sự kiện này được xem là cơ hội để chính phủ các nước chung tay hành động nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên của Trái Đất với nhiều báo cáo gần đây cho thấy nhiều nước mất đà trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải.
Ông Amin bày tỏ hy vọng các đại biểu tham gia cuộc họp này sẽ đạt được thỏa thuận chung về khử carbon qua đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước COP28, các nước vẫn bị chia rẽ, giữa một bên yêu cầu một thỏa thuận để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh và một bên là các quốc gia nhất quyết duy trì vai trò của than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)