COP28 mở ra triển vọng mới cho kỷ nguyên kim loại COP28 còn nhiều bất đồng về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch |
Thông qua Quỹ tổn thất và thiệt hại
Kết thúc tuần đầu tiên của Hội nghị COP28 UAE (từ 30/11-7/12), hội nghị đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là Quỹ tổn thất và thiệt hại đã đi vào vận hành với nguồn tài chính huy động tính đến nay được trên 700 triệu USD.
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam có mặt tại COP28 UAE cho biết: Thắng lợi lớn nhất sau tuần làm việc đầu tiên của COP28 đó là bắt đầu vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại. Đến nay, các quốc gia đã đóng góp trên 700 triệu USD, trong đó Đức, Pháp, Ý và UAE đóng góp nhiều nhất, mỗi nước trên 100 triệu USD.
Nhiều nội dung đang gây tranh cãi sẽ tiếp tục được thảo luận trong tuần thứ 2 của Hội nghị COP28 |
Theo đó, ngay trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị COP28, gần 200 quốc gia đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm chính thức đưa Quỹ tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bước tiến này được kỳ vọng “tạo đà” giải quyết bài toán tài chính khí hậu - vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Theo giới quan sát, việc chính thức thành lập quỹ mà các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đã mong đợi từ lâu mang lại chiến thắng sớm tại COP28.
Quỹ này cũng nhận được các khoản đóng góp từ nước chủ nhà UAE (100 triệu USD); Mỹ (17,5 triệu USD); Anh (ít nhất 51 triệu USD); Nhật Bản (10 triệu USD); Liên minh châu Âu (EU) (245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức). Những cam kết tự nguyện đóng góp của các nền kinh tế phát triển được đánh giá cao, trong bối cảnh giúp nước nghèo vẫn đang chật vật đối phó những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do nguồn lực tài chính eo hẹp.
Các nước giàu đã thực hiện lời hứa huy động 100 tỷ USD/năm vào năm 2020, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện và đây chỉ là con số rất nhỏ so với mức 2.400 tỷ USD/năm, mức hỗ trợ cần thiết vào năm 2030, theo ước tính mới nhất.
Thành công lớn tiếp theo phải kể đến, 124 nước đã thống nhất tuyên bố khí hậu và sức khỏe. Đây là năm đầu tiên COP tổ chức hội nghị Bộ trưởng về sức khỏe, liên kết giữa ảnh hưởng khí hậu và sức khoẻ của con người, Việt Nam đã tham gia và ủng hộ tuyên bố này.
Trong khuôn khổ COP28, đã diễn ra lễ Công bố Cam kết làm mát toàn cầu (Global Cooling Pledge) với sự tham gia của 63 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là nỗ lực chung nhất của thế giới nhằm giảm khí thải từ việc làm mát khiến trái đất nóng lên như điều hòa, làm lạnh thực phẩm, thuốc men. Bên cạnh đó, các bên cũng đã tham gia vào cam kết làm mát toàn cầu.
Ông Đào Xuân Lai cho biết, trước đây nhiều nước đã tham gia vào cam kết tự nguyện này. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, tiếp cận về môi trường trong thiết bị làm mát (điều hòa không khí, phòng lạnh, tủ lạnh....) và đưa ra các giải pháp cho vấn đề làm mát phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Điều này sẽ giúp cho việc thay đổi giữa các bên trong tiếp cận để chuyển giao công nghệ, giảm giá thành. Để các nước có thể tiếp cận công nghệ làm mát tốt hơn, giảm phát thải"- ông Lai khẳng định.
Mỗi năm, gần 1/3 dân số thế giới phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người kéo dài hơn 20 ngày. Các hoạt động làm mát giúp giảm các vấn đề sức khỏe do nắng nóng, đồng thời, đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng khác như bảo quản, phân phối thực phẩm hay phân phối vaccine. Tuy nhiên, biện pháp làm mát thông thường, chẳng hạn như sử dụng điều hòa không khí, lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính. Con người càng làm mát thì trái đất sẽ càng nóng lên.
Để giải quyết bài toán này, cam kết làm mát toàn cầu, một sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất, đưa ra cam kết giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022. Ngoài ra, còn có mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.
"Ngoài ra, các bên cũng đưa ra tuyên bố (chưa có con số các nước tham gia chính thức) về cam kết nông nghiệp xanh, canh tác xanh, thực hành nông nghiệp xanh. Khả năng cao, Việt Nam cũng sẽ tham gia cam kết này"- ông Đào Xuân Lai nhận định.
Cũng theo ông Đào Xuân Lai cho biết: Một điểm đáng nổi bật trong tuần qua của hội nghị, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber - Tổng thống UAE đã đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ đầu tư tập trung vào khí hậu với mức tài chính 30 tỷ USD. Hiện mới có nước chủ nhà cam kết. Mỹ và các nước ủng hộ sáng kiến này và chưa có nước nào cụ thể sẽ đóng góp tài chính như thế nào. Ông Lai cũng cung cấp thêm thông tin: "Quỹ khí hậu xanh và môi trường toàn cầu đang huy động nguồn tài chính cho đợt tài chính tiếp theo, nhiều nước đã cam kết tham gia, trong đó Mỹ cam kết 3 tỷ USD cho quỹ này".
Trong một cam kết khác của COP28, hơn 110 quốc gia, trong đó có Mỹ, tán thành thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030. Cơ quan Năng lượng Quốc tế gọi đây là “đòn bẩy quan trọng nhất” để hạn chế lượng khí thải carbon và tránh điểm tới hạn trong sự nóng lên toàn cầu.
Tuyên bố của Hội nghị COP28 cho biết, các quốc gia hỗ trợ không có nghĩa vụ phải tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo, nhưng họ phải thực hiện các hành động toàn diện trong nước để góp phần đạt được cam kết này.
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá, vẫn chưa ký thỏa thuận, nhưng cả hai nước đều đã công bố riêng các kế hoạch hướng tới mục tiêu toàn cầu được coi là quan trọng đối với Thỏa thuận Paris 2015, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), để đạt được mục tiêu đã đề ra đòi hỏi thế giới phải đạt được 11.000 GW năng lượng tái tạo, hoặc tăng thêm khoảng 7.800 GW trong 7 năm tới. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ chiếm phần lớn công suất bổ sung với lần lượt là hơn 4.000 GW và 2.600 GW, tăng gấp 5 và 4 lần so với mức của năm 2022.
Phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember cho thấy, việc tăng gấp ba nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Các chuyên gia của Ember cho biết thêm, việc xem xét các mục tiêu quốc gia của 57 quốc gia và Liên minh châu Âu - chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu hiện nay - cho thấy thế giới đang trên đà tăng gấp đôi công suất vào năm 2030, và đang có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn.
Vấn đề nào sẽ được tiếp tục thảo luận trong tuần thứ 2 của Hội nghị COP28?
Theo ông Đào Xuân Lai, hiện còn nhiều khó khăn trong tuần tới. Đơn cử như việc cam kết tài chính trước đây đến năm 2020 phải đạt 100 tỷ nhưng rõ ràng không đạt được, đến 2023 vấn đề này đang tiếp tục được thảo luận. Có một số dự đoán tính toán tổng hợp lại có thể đạt được 100 tỷ. Tuy nhiên, các nước đang phát triển không đồng ý tán thành việc đó. "Có thể nói rằng con số 100 tỷ vẫn đang được các nước thảo luận các vấn đề tài chính"- ông Lai cho hay.
Theo ông Lai, sau khi có đánh giá toàn cầu về nỗ lực giảm phát thải cho đến bây giờ thì nguồn đóng góp ở đâu và như thế nào vẫn đang tranh cãi. Theo nhận định, chúng ta có thể mất tái thiết nghĩa là trượt mục tiêu giảm 1,5 độ C trong mức 3,5 độ C nóng lên toàn cầu so với thời kỳ tiền công nghiệp. Từ đó đang thảo luận rất gay gắt, cụ thể các nước phát triển sẽ phải giảm phát thải nhiều hơn.
Ngoài ra, các vấn đề sẽ được tiếp tục thảo luận trong tuần thứ 2 của COP28 đó là có nên đóng hoàn toàn điện than hay đóng dần dần, thậm chí thảo luận đóng toàn bộ năng lượng hóa thạch (than, dầu…). Đây là thách thức trong thời gian tới.
Cuối cùng, các khung thích ứng toàn cầu mặc dù đã đưa ra trước đây, tuy nhiên đến nay các tiêu chí và cam kết thực hiện khung này chưa rõ và vẫn đang tiếp tục thảo luận.