Những ngày này công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang) vẫn đang hoạt động bình thường để đảm bảo tiến độ giao hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trước diễn biến mới của đại dịch Covid-19, công nhân nhà máy được trang bị bảo hộ an toàn và phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Chế biến thủy sản trong môi trường lạnh nên việc đảm bảo an toàn cho người lao động, duy trì sản xuất ổn định được doanh nghiệp ngành này quan tâm hàng đầu. |
Tương tự Công ty CP Thủy sản Sông Tiền (SOTICO -Tiền Giang) cũng nâng mức cảnh báo cao nhất cho toàn thể cán bộ, công nhân lao động nhà máy nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của tất cả người lao động khi làm việc. Bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền chia sẻ, gần đây khi tỉnh Tiền Giang phát hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới công ty đã rà soát lại lịch trình đi lại và tiếp xúc của người lao động, đồng thời áp dụng làm việc từ xa đối với những nhân viên văn phòng do đến địa điểm có người nhiễm Covid-19 trên địa bàn.
“Nhờ kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi dịch mới bùng phát trở lại nên tới nay nhà máy của chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn và đều đặn xuất hàng cho đối tác. Theo kế hoạch, sắp tới chúng tôi sẽ xuất một số đơn hàng tới Trung Đông, EU… do đó vấn đề an toàn cho nhà máy luôn được công ty đặt lên hàng đầu”- bà Ánh chia sẻ.
Giống như SOTICO, Công ty CP Nam Việt (An Giang) cũng đã kích hoạt toàn bộ chế độ chống dịch ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn cho hơn 6.000 lao động trong các nhà máy chế biến. Bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Phó giám đốc Kinh doanh của Nam Việt cho hay, may mắn là tỉnh An Giang hiện vẫn an toàn và công ty chủ yếu xuất khẩu qua cảng Thới Mỹ (An Giang) nên vấn đề kiểm soát dịch xâm nhập từ bên ngoài chưa đáng lo. Dù vậy theo bà Thủy, công ty vẫn luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định an toàn sản xuất của Bộ Y tế cũng như quy định phòng chống dịch của địa phương.
Trong khi đó, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) ngoài tuân thủ theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế đã áp dụng công nghệ vào quản lý nhân viên, lao động tại nhà máy. Cụ thể là nhân viên lao động thực hiện khai báo y tế qua app mỗi ngày trước khi vào làm việc để thuận tiện trong việc truy vết nếu có F0, F1, F2… Đối với trường hợp lao động là F2 sẽ được cho ở nhà nhưng vẫn được công ty trả lương tối thiểu để họ nâng cao ý thức tự giác khi khai báo y tế.
Ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch HĐQT Thuận Phước cho biết, nhờ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trên nên tới thời điểm hiện tại các nhà máy chế biến thủy sản của Thuận Phước tại Đà Nẵng, Bến Tre… vẫn an toàn. Ghi nhận sơ bộ của Thuận Phước cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay công ty đã đạt mức tăng trưởng 35% trong xuất khẩu. Hiện tại các đơn hàng đã được ký kết đến hết tháng 8/2021 nên việc ổn định sản xuất là yếu tố tiên quyết.
Có thể thấy, việc tuân thủ quy định an toàn chống dịch đang được các doanh nghiệp thủy sản thực hiện tốt nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong các nhà máy. Đây là ý thức và trách nhiệm của từng doanh nghiệp bởi trước đó vào ngày 18/6/2021, nhận thấy tình hình dịch ngày càng phức tạp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 70/CV-VASEP tới các doanh nghiệp hội viên khuyến cáo về việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua hoạt động kiểm tra hàng tại các nhà máy.
Trong công văn này VASEP đã đề nghị cơ quan cử người đến nhà máy kiểm tra phải có giấy giới thiệu và cung cấp thông tin về các yếu tố dịch tễ rõ ràng và an toàn của người đi kiểm tra; Doanh nghiệp cần trao đổi với các khách hàng về lịch kiểm tra hàng vào những thời điểm thích hợp nhằm kiểm soát được các nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc; Bắt buộc có khai báo y tế đối với các cán bộ đến kiểm hàng tại nhà máy; Thông báo với CDC địa phương khi phát hiện các yếu tố có nguy cơ nhiễm Covid-19 để có biện pháp phòng ngừa kịp thời…
Ngoài kiểm soát an toàn tại nhà máy, cuối tháng 5/2021 VASEP đã gửi Công văn số 63/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản mua/tiêm vaccine Covid-19. Sau đó, ngày 11/6/2021, VASEP đã nhận được Công văn khẩn số 4667/BYT-DP ngày 11/06/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đơn vị. Ngay sau khi nhận được Văn bản số 4667, VASEP đã gửi công văn đề nghị doanh nghiệp hội viên liên hệ ngay với Sở Y tế trên địa bàn để lập kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và tổ chức triển khai tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn tại Công văn số 4260/BYT-DP ngày 25/5/2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, để kịp thời triển khai tiêm chủng, đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng quá tải cho một số đơn vị tiêm chủng, VASEP cũng đề nghị các doanh nghiệp hội viên có vấn đề vướng mắc cần báo ngay cho Văn phòng Hiệp hội để tổng hợp ý kiến và kịp thời tháo gỡ. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).