Các ngân hàng tiếp tục “bung” gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
Đa dạng các gói vay, chương trình ưu đãi
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng, còn ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh và phục vụ đời sống. Nắm được xu hướng đó, các ngân hàng liên tục đưa ra các gói vay với lãi suất từ 5 - 6%/năm.
Mới đây nhất, Agribank công bố, triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024” với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn bằng VND từ nay đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, lãi suất của chương trình này sẽ thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm. Ưu đãi dành cho khách hàng pháp nhân và doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu vốn ngắn hạn.
Bên cạnh ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp tham gia chương trình của Agribank còn được hưởng ưu đãi lãi suất huy động tiền gửi, ưu đãi thu phí dịch vụ và ưu đãi tỷ giá mua bán ngoại tệ. Agribank giảm phí đối với các loại phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và tỷ giá mua bán ngoại tệ đến hết ngày 30/6/2025.
Đặc biệt, ngân hàng cũng miễn phí thanh toán L/C nhập khẩu, phí thanh toán nhờ thu nhập khẩu, phí thanh toán chuyển tiền ngoại tệ tới 3 tháng giao dịch. Mức lãi suất gửi tiền không kỳ hạn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia chương trình cao hơn đến 0,3%/năm so với lãi suất hiện hành.
Đại diện Agribank cho biết, quý 1/2024, xuất nhập khẩu tăng tăng trưởng mạnh ở mức hai con số, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Agribank mong muốn ưu đãi từ chương trình này sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Từ đầu năm, Agribank dành 95.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp lớn, tập đoàn/tổng công ty, tài trợ dự án đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành hơn 60.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Agribank cam kết dành tối đa nguồn lực đồng hành cùng hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Các ngân hàng liên tục đưa ra các gói vay ưu đãi với lãi suất từ 5 - 6%/năm |
Trước đó, Vietcombank cũng cho biết, triển khai chương trình giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho các khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đồng thời sẽ triển khai đồng loạt các gói cho vay mới với lãi suất giảm tới 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay nhằm giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất cho vay thấp.
“Chương trình sẽ hướng đến các khách hàng thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các lĩnh vực xuất khẩu, năng lượng, khoa học công nghệ và phục vụ nhu cầu đời sống của người dân nhằm thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế… Điều này thể hiện sự nỗ lực của Vietcombank trong việc thực hiện các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vì mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, đại diện Vietcombank cho biết.
Một “ông lớn” khác trong nhóm Big4 là VietinBank cũng vừa công bố gói tín dụng trung dài hạn có quy mô 130.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp, với lãi suất năm đầu tiên chỉ từ 5,6%/năm, 18 tháng tiếp theo là 5,9%/năm.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh khác cũng không nằm ngoài xu thế, Techcombank đang triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỉ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng. Nếu sử dụng phần mềm MISA, khách hàng được cấp hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng... Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng…
Trong khi đó, Sacombank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. VIB triển khai cho vay khách hàng cá nhân mua căn hộ chung cư từ 5,9%/năm. LPBank cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay với lãi suất từ 6,7%/năm, cho khoản vay lên đến 7 tỷ đồng...
Tiếp tục ưu tiên các nhóm ngành kinh tế chủ lực
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Agribank ưu đãi lãi suất đến 2,4% cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu |
Chia sẻ về việc điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong các tháng đầu năm 2024 và tới đây, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, ổn định, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các nhóm ngành kinh tế chủ lực, có nguồn thu ngoại tệ lớn, đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về chính sách lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, ngay trong thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đều đang ở mức thấp kỷ lục. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề hay mục tiêu hạ lãi suất. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên, tạo điều kiện và khuyến khích hệ thống tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động, chi phí vốn để tạo ra dư địa giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các ngành nghề.
Riêng đối với mảng tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, Phó Thống đốc cho rằng, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn với lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp và tỷ giá không có những biến động lớn, gây sức ép bất lợi cho doanh nghiệp và cho điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Cụ thể, đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực như: dệt may, thủy sản, lâm sản, Phó Thống đốc cho biết, đến hiện nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi 1-2% lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 18.000 tỷ đồng, rất được doanh nghiệp các ngành đồ gỗ lâm sản và thủy sản hoan nghênh. Gói tín dụng này sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường giải ngân.
“Nếu giải ngân hết hạn mức 30.000 tỷ đồng thì có thể xem xét mở thêm các nguồn vốn ưu đãi cho vay khác để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lúa gạo, Phó Thống đốc cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện văn bản pháp lý để kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Từ đó, tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ giãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tăng cường cho vay mới đối với khách hàng. Trong đó, bao gồm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Riêng đối với vấn đề tỷ giá, theo Phó Thống đốc, hiện nay tỷ giá được ngành ngân hàng nhìn nhận là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các hoạt động từ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Quan điểm của ngành ngân hàng là ổn định chứ không cố định tỷ giá, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp để thực hiện điều này như: điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá, tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên, có nguồn thu ngoại tệ lớn. “Chẳng hạn như hiện nay xuất khẩu cà phê đang được giá, vì thế ngành ngân hàng sẽ chỉ đạo khuyến khích hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay. Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ… cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh”, Phó Thống đốc nêu.