Các bên cùng vào cuộc đẩy nhanh các dự án Nhiệt điện Ô Môn
Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực tại buổi làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tại Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn (Tp. Cần Thơ) ngày 27/5.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nghe báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn |
Tiến độ thi công chậm
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Ban quản lý Điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, các dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn vẫn đang được triển khai, tuy nhiên tiến độ thực hiện diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân là do quá trình đàm phán về mua bán khí và định giá khí giữa Tập đoàn EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa đạt được thoả thuận để thúc đẩy việc hoàn thành các dự án cùng một số nguyên nhân khác.
Theo ông Hùng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 thuộc nhóm A, công trình năng lượng cấp I. Công nghệ nhà máy chạy bằng Turbine khí chu trình hỗn hợp, công suất khoảng 1.050MW±10%; Số giờ vận hành công suất cực đại Tmax: 6.000h; điện áp đấu nối 220kV; nhiên liệu chính sử dụng khí Lô B, nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.573 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; tiến độ hoàn thành dự kiến vào quý IV/2025.
Về tiến độ triển khai dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 14/8/2019 thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác thẩm định, bên cạnh đó nhà máy không thuộc đối tượng áp dụng Luật Đầu tư công năm 2019 nên đã gặp một số khó khăn. EVN đã văn bản kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền. Tháng 3/2020, Bộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 để thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời sửa đổi Hội đồng thẩm định Nhà nước thành Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án.
Dự án Nhà máy điện Ô Môn 4, công trình năng lượng cấp I; công nghệ nhà máy vận hành bằng Turbine khí chu trình hỗn hợp, cấu hình 2-2-1; công suất khoảng 1.050MW±10%; số giờ vận hành công suất cực đại Tmax là 6.000h; điện áp đấu nối 500kV; nhiên liệu chính từ khí đốt thiên nhiên từ mỏ khí Lô B với nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm; nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Tổng mức đầu tư khoảng 29.944 tỷ đồng, trong đó, 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại; tiến độ phát điện thương mại dự kiến vào quý IV/2023.
Về triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4, tháng 2/2020, EVN đã có văn bản về giá khí và bao tiêu khí dự án, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận: giá khí tiêu thụ cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 được chuyển ngang sang giá điện thanh cái của Dự án; cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4. Chi phí sản xuất điện của Dự án này được hạch toán vào chi phí giá thành của EVN.
EVN đã phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4, tháng 4/2020 đã khởi công xây dựng Văn phòng làm việc của Ban QLDA và Tư vấn tại công trường; tháng 4/2020, ký hợp đồng tư vấn lựa chọn nhà thầu và hỗ trợ thương thảo Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng nhà máy (EPC). Phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC vào tháng 7/2020; ký Hợp đồng gói thầu EPC vào tháng 4/2021; tiếp nhận khí để thử nghiệm nhà máy vào tháng 8/2023; chạy thử thách vào tháng 11/2023; phát điện thương mại Nhà máy vào tháng 12/2023
Hiện tại, đối với gói thầu Tư vấn lập đề án khai thác, sử dụng nước mặt và xả thải vào nguồn nước Dự án nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 đã được hoàn thiện theo ý kiến của EVN và ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình lại Cục Quản lý tài nguyên nước ngày 19/05/2020.
Gói thầu số 1 tư vấn đấu thầu và hỗ trợ thương thảo Hợp đồng EPC hiện đã được tiến hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, đã lựa chọn Nhà thầu và ký Hợp đồng với PECC3 tháng3/2020, hiện PECC3 đang lập hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ mời thầu EPC trong cuối tháng 5/2020. EVN sẽ tổ chức thẩm định để phê duyệt trong tháng 6/2020. Gói thầu số 2 (TV02-OM4) đã ký Hợp đồng với Công ty Cổ phần CONINCO Thăng Long và đã tổ chức thẩm tra và phê duyệt hồ sơ làm cơ sở phát hành hồ sơ mời thầu xây lắp.
Gói thầu số 7 Xây dựng Văn phòng Ban QLDA và Tư vấn tại công trường đã tổ chức đấu thầu và đã ký Hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tài Anh tháng 4/2020 và đã khởi công xây dựng công trình, thời gian hoàn thành trong tháng 8/2020. Gói thầu số 4 Tư vấn giám sát thi công xây dựng Văn phòng Ban QLDA và Tư vấn tại công trường, EVN tự tổ chức thực hiện giám sát, hoàn thành đồng bộ với Gói thầu số 7.
Cần gỡ nút thắt để các dự án sớm hiện thực
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN - đánh giá, các Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn rất quan trọng, đã được tiến hành nghiên cứu từ những năm 1990. Hiện mới chỉ có 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 vận hành; các dự án còn lại đã chuẩn bị xong khâu giải phóng mặt bằng, phương án đấu nối, nhưng cái vướng lớn nhất là nguồn khí. Khi triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4, hồ sơ mời thầu đã xong nhưng phải hủy vì không có nguồn khí. Theo ông Tài Anh, dự án Ô Môn 4 đã hoàn thiện xong hồ sơ mời thầu; Ô Môn 3 đang vướng Luật đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cam kết về khí, nhưng chưa có dự án nhiên liệu khí nào đảm bảo cung cấp bao tiêu 100%.
Nguồn khí từ Lô B, Cá Voi Xanh, đối tác cam kết cung cấp 13,88 triệu m3/ngày, tuy nhiên, với lượng khí cấp này chỉ có thể chạy được 76%.
Đại diện nhà đầu tư MOECO - Nhật Bản phản ánh, sự phát triển đồng bộ giữa các trung tâm điện Ô Môn và đường ống khí Lô B phải đồng bộ để đảm bảo an ninh cung cấp điện cho miền Nam. Về nguồn khí Lô B và dự án Ô Môn 2 rất quan trọng và nhận được sự quan tâm của Chính phủ Nhật Ban. Cuối năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo công ty về việc đẩy nhanh dự án này và trình phương án để chính phủ ỗ trợ cho vay vốn thực hiện dự án. Hiện tại, công ty đã lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo đề xuất đầu tư và nộp trong tháng 5/2020 cho phía đối tác của dự án.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc đưa vào vận hành nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn để giải quyết nhu cầu điện hiện nay là bức thiết, tuy nhiên việc để chậm tiến độ thi công các dự án Nhiệt điện Ô Môn ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển nguồn năng lượng và kinh tế xã hội.
Theo Thứ trưởng, Chính phủ, địa phương đều mong làm sao đẩy nhanh chuỗi dự án thượng nguồn, hạ nguồn điện của Ô Môn. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao đẩy nhanh tiến độ càng sớm càng tốt. Để đồng bộ hạ tầng, cần phải có sự phối hợp giữa EVN và PVN. Bộ Công Thương có trách nhiệm triển khai các dự án trọng điểm về năng lượng quốc gia trong thời gian tới, do đó các đơn vị liên quan đến các dự án cần có chỉ đạo tốt hơn nữa để dự án sớm hoàn thành.
Đối với việc bao tiêu khí, Thứ trưởng chỉ đạo EVN và PVN tiếp tục đàm phán và có sự thống nhất về các điều khoản bao tiêu khí. Nếu có khó khăn thì báo cáo sớm lên Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ để có sự chỉ đạo kịp thời. Đối với hợp đồng mua bán khí, cần thể hiện ý chí giữa hai bên và phải có sự đồng thuận, hợp lý giữa hai bên, sớm giải toả khúc mắc đang làm chậm dự án.
Để đẩy nhanh các dự án Nhiệt điện Ô Môn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực phối hợp tổ chức cuộc họp triển khai dự án điện lớn theo hình thức IPP do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4, mặt bằng, đường dây đã có, ngân hàng đã sẵn sàng, nên Bộ Công Thương đã báo cáo Chính Phủ, đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp bộ KH & ĐT sớm có quyết định về chủ trương đầu tư..; Hy vọng thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, hoàn thành thỏa thuận cuối cùng để đưa các dự án sớm đi vào vận hành.