Cà Mau: Nhiều kết quả ấn tượng trong hoạt động chuyển đổi số
Theo báo cáo kết quả triển khai, thực hiện chuyển đổi số năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến nay, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành 79 văn bản (trong đó có 8 quyết định, 10 kế hoạch và 61 công văn) để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Với chuyển đổi số, dường như khoảng cách về địa lý không còn tồn tại. Chúng ta có thể nói chuyện, gặp mặt, làm việc, ký kết hợp đồng trực tuyến với đổi tác, có thể gặp gỡ với người thân, bạn bè, đối tác, dù họ đang ở bất kỳ đâu chỉ bằng một vài thao tác trên bàn phím. Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân, từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện giao dịch, cho đến tạo ra cơ hội việc làm và gắn kết xã hội".
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Sở TTTT Cà Mau |
Về phát triển hạ tầng số, Trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của tỉnh được đầu tư xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, với năng lực lưu trữ lên đến 135 TB. Trung tâm dữ liệu được triển khai các thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống như: Tường lửa, phòng chống DDoS, tường lửa ứng dụng web và được Tổ chức Chứng nhận DAS đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 về hệ thống quản lý an toàn thông tin.
Về đầu tư dữ liệu số, tỉnh đã hoàn thành triển khai 13 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đang tập trung thực hiện số hóa, tạo lập dữ liệu hộ tịch.
Về phát triển nền tảng số, tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì và triển khai 69 hệ thống thông tin, nền tảng số. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các nền tảng số có ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Blockchain trong “Truy xuất nguồn gốc” được tích hợp trên App CaMau-G phát hành hơn 70.000 tem truy xuất nguồn gốc.
Cà Mau đã tổ chức trên 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 6.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 40.000 lượt doanh nghiệp, người dân, học sinh, sinh viên về kỹ năng số, an toàn thông tin, mua sắm trực tuyến.
Về đảm bảo an toàn thông tin mạng, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh hiện đang quản lý, vận hành theo mô hình bảo vệ 4 lớp về an toàn thông tin mạng và được Tổ chức Chứng nhận DAS chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thông tin. Tỉnh đã triển khai Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) và phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tại Trung tâm lưu trữ dữ liệu tỉnh.
Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Ảnh: Sở TTTT Cà Mau |
Về kinh tế số, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; có 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; có hơn 2.490 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CĐS (Chương trình SMEdx), chiếm 52,42%.
Về thương mại điện tử, tỉnh hiện có 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và 125.614 tài khoản người bán trên 2 sàn thương mại điện tử madeincamau.com và buudien.vn. 734 sản phẩm nông sản lên sàn, 140 sản phẩm OCOP lên sàn, 16.523 giao dịch giao dịch trong kỳ báo cáo.
Hiện Cà Mau đã triển khai phần mềm “Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” sử dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang phối hợp với dự án GCF xây dựng phần mềm Truy xuất nguồn gốc thủy sản, phối hợp với Viettel xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp kết hợp với phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp sẵn có.
Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT - iLIS do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, đã triển khai cho 9/9 huyện, TP. Cà Mau hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.
Cổng Thông tin du lịch Cà Mau (du lịch thông minh) đã cung cấp hơn 90% các thông tin cơ bản giới thiệu về điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã cấp tài khoản cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh để thực hiện quảng bá, cập nhập dữ liệu thông tin 48 cơ sở lưu trú, 15 nhà hàng, giới thiệu ẩm thực đặc sản Cà Mau. Nhiều tour du lịch được đăng bán. Đến nay, đã có hơn 150.000 lượt truy cập, tìm hiểu và mua, bán dịch vụ du lịch thông qua phần mềm Cổng thông tin Du lịch Cà Mau.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Cà Mau là một trong 26 địa phương có tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt từ 10% đến 20%, mục tiêu đến 2025 là 50%.
Về phát triển công dân số, tỉnh đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) cho 784.615/1.006.704 người dân trưởng thành, đạt 77,9%.
Tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” trên 42 tuyến đường/cụm dân cư tại 17 đơn vị xã, phường trên địa bàn thành phố Cà Mau; có tổng số 1.786 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cài đặt và sử dụng phần mềm ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Ở lĩnh vực y tế, có 125/125 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID.
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đến nay, có 501/501 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ phục vụ nhà trường. 100% các cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng quản lý nhà trường.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản cho 12.035/12.184 người đã có tài khoản, đạt 98,8% và đạt 16,32% trong tổng số đối tượng quản lý (12.035/73.745).
Về chính quyền số, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đã triển khai cho 661 đơn vị, có tổng cộng 10.966 tài khoản người dùng; hệ thống đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền (từ trung ương đến cấp xã). Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp chữ ký số chuyên dùng cho 5.044 tổ chức, cá nhân.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cà Mau hiện có 1.184 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 452 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tất cả đã được kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) tích hợp trên 50 ứng dụng với hơn 27.000 lượt cài đặt, tiện ích hỗ trợ người dân dễ dàng tương tác, sử dụng dịch vụ số do chính quyền cung cấp.