Cà Mau hiện có 11 doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, tăng 8 doanh nghiệp so với năm 2019. Vào thời điểm này, các đơn vị kinh doanh đã tăng cường dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trước, trong và sau Tết.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang tăng cường mở thêm các điểm bán cố định và lưu động, góp phần bình ổn giá cả thị trường, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mãi, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân.
Tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết năm 2020 dự kiến khoảng 1.236 tỷ đồng, tăng 8,05% so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, nhóm nông sản chiếm 362 tỷ đồng, nhóm thực phẩm tươi sống trên 26 tỷ đồng, nhóm công nghiệp thực phẩm trên 277 tỷ đồng, nhóm công nghiệp thực phẩm khác trên 221 tỷ đồng, nhóm công nghiệp tiêu dùng gần 13 tỷ đồng, nhóm nhiên liệu trên 572 tỷ đồng, nhóm kim khí điện máy trên 94 tỷ đồng, hàng hóa khác khoảng 31 tỷ đồng.
Nhu cầu hàng hóa phục vụ trong tháng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chủ yếu tập trung một số mặt hàng thiết yếu như gạo,thịt heo, thịt bò, thịt trâu, bia, bánh mứt, thực phẩm đóng hộp...
Cà Mau đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 |
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau – cho biết: Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, huyện, thành phố để theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu;thành lập các đoàn kiểm tra thực tế về tình hình chuẩn bị phục vụ Tết tại các cơ sở, các chợ trên địa bàn các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội tỉnh, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường với nguồn hàng phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; tổ chức các chương trình bán hàng Tết và có điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo Ban Quản lý các chợ tuyên truyền, phổ biến đến các hộ kinh doanh thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ găm hàng trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.