Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, sự phối hợp và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, công tác thu - chi ngân sách đã được điều hành quyết liệt, triệt để tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, do đó nhiệm vụ ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu về bội chi và nợ công.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán bội chi NSNN năm 2020 được Quốc hội quyết định đầu năm là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP), trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 17 nghìn tỷ đồng. Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi NSTW tối đa là 133,5 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối chi NSNN năm 2020, thực hiện vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân NSTW năm 2020.
Kết quả năm 2020, bội chi NSNN là 251,35 nghìn tỷ đồng, tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng 3,99% GDP thực hiện. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo nghị quyết của Quốc hội.
Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo nghị quyết của Quốc hội |
Đối với tình hình nợ công, theo đánh giá mới đây của Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 49,1% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP, thấp hơn mức trần quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung, dài hạn và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Nhận định về kết quả đạt được nêu trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bội chi NSNN năm 2020 thực hiện tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng 3,99% GDP, thấp hơn mức đã báo cáo Quốc hội (4,99 - 5,59% GDP) và cao hơn dự toán (3,44% GDP); bội chi NSTW tăng 27,85 nghìn tỷ đồng so với dự toán; bội chi NSĐP giảm 11,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách thông tin, trong bối cảnh thu NSNN năm 2020 giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, việc đảm bảo giữ bội chi ngân sách trong khi nhu cầu chi rất lớn, với nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh (trong đó có phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt) có ý nghĩa rất lớn. Ngoài ra, về mức dư nợ công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý, kiểm soát nợ công.
Tuy nhiên, theo Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc đảm bảo chính sách tài khóa, cân đối thu chi, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách; quản lý điều hành ngân sách và nguồn lực quốc gia hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Thực tế, việc quản lý thu, sử dụng ngân sách và tài sản công có lúc, có nơi chưa hiệu quả; đầu tư công vẫn còn lãng phí... Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN trước mắt cũng như lâu dài”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Về mục tiêu trong thời gian tới, ông Phớc cho rằng, trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính - NSNN phải tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, đảm bảo chi NSNN tiết kiệm hiệu quả, cải thiện tích cực chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình mới.
Đặc biệt, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả công tác phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính - NSNN với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. “Đây có thể coi là một trong những đường hướng trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia” - ông Phớc nhấn mạnh.