Bộ Tư pháp: Thu hồi tiền từ án hình sự, tham nhũng tăng gấp 3 lần năm 2021
Tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp ngày 28/10, thông tin cho biết các đơn vị thi hành án thu hồi tiền với con số gần 16.000 tỷ đồng đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong khoảng thời gian từ 1/10/2021 đến 30/9/2022.
“Con số này gấp gần 3 lần mức thu hồi của năm 2021”- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết.
Cùng đó, nhà chức trách cũng thu trên 22.000 tỷ đồng các khoản nợ của tổ chức tín dụng.
Ông Phan Huy Hiếu (Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự) phân tích, trước đây, tài sản trong một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau, nên cơ quan thi hành án phải ủy thác, chờ nhiều khâu, giai đoạn mới thực hiện được việc thu hồi.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, sau khi ban hành luật sửa đổi bổ sung, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và tín dụng ngân hàng đạt hiệu quả hơn.
"Chúng tôi gửi thông tin các đương sự trong vụ án để tra soát việc đăng ký tài sản ở các địa phương. Mục đích để lọc ra những tài sản mà đương sự che giấu, từ đó tìm ra rất nhiều tài sản"- ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng thừa nhận, khi thực hiện hành vi, các đối tượng cũng đã tính toán đến hậu quả và tẩu tán tài sản cho người khác, khi đó thi hành án rất khó chứng minh để thu hồi.
Một trong những bất cập của việc thu hồi tài sản, đó là chưa có luật về đăng ký tài sản. Do đó, người phạm tội có thể chuyển tài sản cho cá nhân khác trong gia đình, bởi đây là nhóm không phải kê khai tài sản.
Một tồn tại khác của việc thu hồi tài sản đó là trước đây, một số bản án khi tuyên về phần tài sản, chỉ dựa theo lời khai của đương sự. Trong khi đó, cơ quan điều tra mải tập trung vào việc chứng minh tội phạm, nên chưa quan tâm đến công tác xử lý tài sản của người phạm tội.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời việc hình thức đấu giá trực tuyến có giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc “thông đồng, dìm giá, xã hội đen phá hoại các cuộc đấu giá” hay không? Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định rằng, nếu nền tảng về công nghệ thông tin tốt và nhân sự của các tổ chức đấu giá tốt thì có thể hạn chế được cơ bản tiêu cực trong đấu giá tài sản. Khi đấu giá trực tuyến không tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia đấu giá với nhau và mỗi người tham gia đấu giá được mở 1 tài khoản tại tổ chức đấu giá, được phát 1 mã định danh và trả giá qua phần mềm trên mã định danh được cấp đó.
“Do đó, hình thức này sẽ hạn chế được bất cập nêu trên. Trong bối cảnh của khoa học công nghệ và chuyển đổi số hiện nay, Luật cũng sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn và khuyến khích hơn đối với đấu giá trực tuyến”- bà Mai nói.