Thiệt hại nặng nề về người và của
Đoàn công tác đã trực tiếp xuống vùng “rốn lũ” thuộc thị xã An Nhơn, phường Nhơn Hòa. Tại đây, sau khi được trung chuyển bằng xe chuyên dụng của lực lượng quân đội do giao thông bị nước lũ chia cắt, các thành viên trong đoàn công tác đã đi ca nô đến những vùng bị ngập sâu để thị sát, thăm hỏi, động viên và trao một số nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân vùng bị cô lập.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bình Định, mưa lũ đã gây ngập lụt sâu trên toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; trong đó tại các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn; mực nước ngập sâu từ 1-1,5m, nhiều xã bị cô lập và chia cắt nhiều ngày. Nhiều cầu, cống bị sập, nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo tại thực địa |
Bốn đợt mưa lũ trong tháng 12 đã gây thiệt hại lớn khiến 348 nhà bị sập hoàn toàn, 398 nhà tốc mái, 57.432 nhà bị ngập nước. Về giao thông đã có 128,5 km đường giao thông bị hư hỏng, 310 điểm sạt lở nặng, 96 cống tiêu và 27 cầu bị sập hoàn toàn, làm ách tắc giao thông cục bộ tại một số địa phương. Hạ tầng thủy lợi, đê điều: 86,6 km đê, kè bị sạt lở nặng, uy hiếp đến nhiều khu dân cư đang sinh sống, 247 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân, 36 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, 30,9 km bờ sông bị sạt lở. 3.526 ha hoa màu bị ngập hỏng; 100 ha cây giống bị hư hại; 3.180 con gia súc, 195.540 con gia cầm bị cuốn trôi; 24 tấn lương thực, 1.012 tấn lúa giống bị ngập, hư (bao gồm cả lượng giống nông dân đã ngâm ủ nhưng không gieo sạ được); 236 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước và 5 tàu cá bị chìm, chưa kể số người chết và bị thương. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.230 tỷ đồng.
Đoàn công tác di chuyển qua vùng lũ bằng ca nô |
Ngành Công Thương “vào cuộc” quyết liệt
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành trung ương, ban, ngành tỉnh Bình Định.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Mai Ngọc Lý - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho biết: Vùng miền Trung thường xuyên bị ảnh hưởng của lụt bão nên đơn vị đã chỉ đạo các ngành chủ động dự trữ 10.000 thùng mỳ tôm, đến nay đã cấp phát 6.000 thùng và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, năm nay lụt xảy ra bất thường, kéo dài, ngập sâu nên người dân không có chỗ để nấu nướng và không có nước uống. Trước những bức thiết đó, ngành đã tạm trữ 5 tấn lương khô và đã cấp phát hơn 2 tấn cùng nước sạch cho những hộ dân bị nước lũ cô lập. “Sở đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh thêm 5 tấn lương khô” - ông Lý cho biết thêm. Để đảm bảo giá cả các mặt hàng thiết yếu cho người dân, ngành Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo các đội quản lý thị trường từng địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, tránh tình trạng lợi dụng tình hình lụt lội để đầu cơ tăng giá.
Về đề nghị của ông Mai Ngọc Lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết: Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tỉnh Bình Định thêm 5 tấn lương khô và 10.000 chai nước sạch, chậm nhất là đầu giờ chiều ngày 17/12, số hàng trên sẽ tới nơi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu đơn vị thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương tổ chức trực ban thường xuyên 24/24h, kịp thời cung cấp thông tin về hồ thủy điện, đồng thời gửi tin nhắn đến lãnh đạo các Sở Công Thương. Các chủ đập thủy điện trên địa bàn mưa lũ phải tuân thủ quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, đặc biệt lưu ý việc xả lũ về vùng hạ du bảo đảm cảnh báo kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương; chỉ đạo các đơn vị điện lực trên địa bàn nhanh chóng khắc phục các sự cố, để cấp điện trở lại cho người dân bảo đảm tuyệt đối an toàn. Về vấn đề các hồ chứa, đập thủy điện, hồ thủy lợi, nếu tình hình mưa lũ còn phức tạp thì phương châm “4 tại chỗ” cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng của trung ương và địa phương. “Nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là phải đảm bảo cuộc sống của người dân, đặc biệt là lĩnh vực giao thông và liên lạc để công tác chỉ đạo được tốt hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định |
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải... đồng quan điểm: Với tình hình lũ lớn như hiện nay thì giải pháp cứu người được đặt lên trên hết, sau đó phải bám sát địa bàn để giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân như đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự phối hợp các bộ, ngành trung ương với địa phương trong việc chủ động phòng chống lũ, từ đó đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể về người và của. Phó Thủ tướng cũng chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến người dân bị thiên tai, đặc biệt là các gia đình có người thiệt mạng. Phó Thủ tướng đề nghị tập trung sơ dân, nắm chắc những hộ dân nào chưa sơ tán, nguy hiểm, nơi có nguy cơ sạt lở. Tập trung cứu trợ khẩn cấp cho người dân, quan trọng là những hộ dân bị nước lũ cô lập, nước lũ dâng cao. Đẩy mạnh công tác thuốc men cho người dân, cứu hộ, cứu nạn tàu chết máy trên biển. Hướng dẫn, chốt chặng các tuyến đường ngập sâu. Chuẩn bị lực lượng khi lũ rút để xây dựng kế hoạch giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường... “Lãnh đạo tỉnh Bình Định cần tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành; từ đó xử lý linh hoạt, phù hợp với diễn biến mưa lũ. Việc theo dõi vận hành an toàn các hồ chứa phải có sự phối hợp với các bộ chuyên ngành” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Từ ngày 15/12, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã vào khu vực miền Trung để chỉ đạo, kiểm soát việc xả lũ của các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Bên cạnh đó, cứ 2 giờ/lần, Cục cập nhật và tiếp nhận các thông tin vận hành hồ chứa thủy điện tại vùng mưa lũ và mỗi buổi sáng, chủ động nhắn tin vào điện thoại cho các chủ đập, Giám đốc Sở Công Thương, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - nơi xảy ra mưa lũ - để đôn đốc việc phối hợp của các chủ đập trong công tác vận hành xả lũ với các cơ quan, chính quyền địa phương. |