Thứ ba 26/11/2024 03:38

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Ra biển lớn, phải chấp nhận luật chơi chung”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy với các cơ quan thông tấn báo chí bên lề Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.    

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua?

8 tháng đầu năm 2019 chứng kiến tình hình chung về kinh tế, thương mại của thế giới đang có nhiều chuyển biến với diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức cho xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Bình diện toàn cầu đang có những thay đổi, cộng với những xung đột thương mại, tác động của chiến tranh thương mại đến tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc. Do đó, 8 tháng đầu năm, mặc dù có sự nỗ lực chung của toàn hệ thống và các bộ ngành nhưng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc vẫn bị sụt giảm hơn 7%.

Con số sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khách quan là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ, công tác mở cửa thị trường mặc dù đã làm nhưng chưa đẩy nhanh được tốc độ nên các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc còn chậm. Bên cạnh đó, việc tổ chức lại sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm còn chậm. Chưa kể, một lượng lớn nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn trước kia là theo phương thức tiểu ngạch, nay đã bị siết chặt. Do đó, xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường này bị sụt giảm.

Ngoài ra, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến tồn dư một lượng hàng hóa rất lớn tại Trung Quốc, khiến tổng cầu hàng hóa tại thị trường này suy giảm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những ngành hàng sản phẩm mang tính tương đồng với nước ta, tạo nên sức cạnh tranh rất lớn. Ngoài ra, tận dụng cuộc chiến tranh thương mại, nhiều quốc gia gia tăng quan hệ thương mại với Trung Quốc để mở cửa thị trường này, tiếp tục gây áp lực lên hàng hóa Việt Nam.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm những công việc cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, thưa Bộ trưởng?

Nói về tổng thể, chúng ta đã có một chiến lược xuất khẩu bền vững được Chính phủ ban hành, trong đó, quy định rõ chức năng, vai trò của các Bộ, ngành. Bộ Công Thương có vai trò rất lớn, vừa là cơ quan quản lý nhà nước, đầu mối trong việc thực hiện công tác hội nhập và phát triển thị trường nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ ngành khác để đôn đốc thực hiện các chương trình hành động của Việt Nam gắn với chiến lược phát triển bền vững này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận được rất nhiều câu hỏi từ các cơ quan thông tấn, báo chí

Theo đó, thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ tập trung cho công tác nghiên cứu và nắm bắt thông tin thị trường. Những thông tin này bao gồm thông tin về vĩ mô liên quan đến thể chế và pháp luật của nước sở tại, nguyên tắc thương mại quốc tế của họ trong đó có quan hệ thương mại với Việt Nam, từ đó cung cấp cho các Bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chiến lược thị trường mang tính bền vững.

Thứ 2, phối hợp, cung cấp thông tin cụ thể về thị trường, đặc biệt là tập quán kinh doanh cũng như nhu cầu, dung lượng và cơ hội thị trường, của đối tác để cộng đồng doanh nghiệp và địa phương xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các đầu mối, đặc biệt những đầu mối về phân phối lớn tại thị trường Trung Quốc.

Thứ 3, phối với các Bộ ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức xây dựng, quy hoạch các ngành sản xuất, đảm bảo nguồn hàng, dung lượng, các yêu cầu quy định cũng như chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, từ đó, có định hướng phối hợp với các địa phương trong tổ chức sản xuất, cung ứng nguồn hàng, đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật của thị trường Trung Quốc. Đồng thời đảm bảo được sự ổn định khối lượng nguồn hàng để đáp ứng được yêu cầu này.

Thứ 4, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đôn đốc, tổ chức mở cửa thị trường. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc có các chứng nhận, hiệp định và thỏa thuận về kiểm dịch động thực vật cũng như các thủ tục cụ thể để mở cửa thị trường cho các nhóm ngành hàng, sản phẩm cụ thể như: rau quả, trái cây, sản phẩm chăn nuôi…

Thứ 5, triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp trong công tác tiếp cận thị trường sau khi thị trường đã mở, xây dựng thương hiệu cũng như xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại…

Bộ trưởng có khuyến nghị gì khi thị trường Trung Quốc đang có những thay đổi?

Chúng tôi muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội, ngành hàng, các địa phương thông điệp: Chúng ta đã đi thuyền ra biển lớn thì phải thực thi những điều cần thiết để đảm bảo an toàn và có hiệu quả cho chuyến hàng hải khơi xa của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận và thực thi theo đúng luật chơi chung của quốc tế và thị trường Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn không bao giờ được hiểu là thị trường đơn giản, dễ tính để chúng ta xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa mà chưa đáp ứng được yêu cầu chung về chất lượng sản phẩm, cũng như các hàng rào kỹ thuật mà thị trường đang đòi hỏi.

Thanh long là một trong số các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Chúng tôi khuyến nghị, trước tiên tới lãnh đạo các địa phương: Cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để có thể định vị rõ yêu cầu, quy mô, tính chất cụ thể đối với các nhóm hàng của thị trường Trung quốc để có được quy hoạch rõ ràng, đầy đủ trên cơ sở năng lực và quy mô sản xuất mà chúng ta có thể huy động được.

Các Bộ, ngành, các địa phương cần tổ chức tập huấn thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nông dân có thể có đầy đủ thông tin về thị trường này và hiểu cách thức tập quán kinh doanh với thị trường. Từ đó, cùng phối hợp tạo chuỗi giá trị từ người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối để có thể tiếp cận một cách sâu rộng xuất khẩu theo con đường chính ngạch với thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đồng hành với Bộ Công Thương cụ thể hóa trong việc mở cửa thị trường. Đặc biệt là đối với các ngành hàng sản phẩm mà chúng ta đang rất có tiềm năng như: trái cây (chanh leo, sầu riêng); chăn nuôi; thủy sản chế biến…

Chúng tôi sẽ sớm thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo việc xây các hàng rào kỹ thuật của chính chúng ta, các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa cho các sản phẩm nông thủy sản để nâng cao hơn nữa chất lượng nông thủy sản. Từ đó, nông thủy sản không chỉ tiếp cận tốt với thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường nhập khẩu khác trên thế giới. Chỉ khi có một nền sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất hữu cơ, sản xuất hiện đại mới đảm bảo năng lực cạnh tranh cho người nông dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình đối thoại, phối hợp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để các chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tranh chấp thương mại có điều kiện lan tỏa rộng rãi và mang đến hiệu quả lớn hơn nữa.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hạnh - Lan

Tin cùng chuyên mục

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Hôm nay 25/11, bắt đầu Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024)

Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh nội địa hóa, chiếm lĩnh thị phần

Đang diễn ra Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024