Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023
Tập trung nguồn lực, đưa hạ tầng giao thông bứt phá trong năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 tại Hà Nội |
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ, xung đột chính trị tại một số khu vực trên thế giới kéo dài. Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, song, tình hình thiên tai, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,... làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Giao thông vận tải nói riêng.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.
"Lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội", Thứ trưởng thông tin.
Cũng trong năm 2022, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, sự vào cuộc rốt ráo này đã giúp tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. 18 dự án đã được khởi công, 22 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác. Cụ thể, về đường bộ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2km), đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km) và thông xe kỹ thuật 3 đoạn (Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại Hội nghị tổng kết |
Lĩnh vực hàng không đã hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2022 dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công nhà ga hành khách T3, cảng hành không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Về đường sắt, 2 dự án thuộc nhóm các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. “Về hàng hải, đường thủy nội địa, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ…” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Cụ thể, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021. Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ hành khách.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)". |
Trong đó, vận tải hàng không tăng 3%, đường bộ tăng 22,7%, đường thủy tăng 26,9%, đường biển tăng 27,9%, đường sắt tăng 9%. Vận chuyển hành khách 12 tháng lĩnh vực hàng không tăng 224,6%, đường biển tăng 56,7%, đường sắt tăng 205,6%, đường bộ tăng 51,6%, đường thủy tăng 52,9%. Kết quả trên cho thấy hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, năm 2022 lĩnh vực vận tải phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tăng giá mặt hàng xăng, dầu.
Tuy nhiên, duới sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động vận tải đã bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, phục vụ đầy đủ, an toàn nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hoạt động vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Đặc biệt, để nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải định kỳ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến giảm cơ chế thuế, phí.
Điển hình, kiểm soát mức tăng giá nhiên liệu bằng các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường; sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý, nghiên cứu chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện thủy ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hoá tại khu vực cảng biển và bến thuỷ nội địa, nghiên cứu, xem xét phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8 xuống 5% và điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%....
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương trong việc giải cứu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải cứu hàng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu biên giới đường bộ với Trung Quốc.
Đồng thời, với nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Kết quả giải ngân đạt tỷ lệ cao
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến ngày 31/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân lên đến 47.905 tỷ đồng, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022. Dự kiến hết năm tài chính, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đạt 95,7% tổng kế hoạch được giao.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năm 2022, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải là rất lớn. Tỷ lệ và giá trị giải ngân cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Năm 2022, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải vẫn đạt tỷ lệ cao, là "cứu cánh" cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong năm 2022.
"Tính đến nay, 4/5 quy hoạch chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải đã được phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Xác định năm 2023 là năm tăng tốc trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Trong đó, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành nhiệm vụ được giao” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, đồng thời cho biết, để việc triển khai các quy hoạch đạt được hiệu quả cao nhất, nhiều nhóm vấn đề cần được thực hiện như công tác hoàn thiện thể chế; huy động, phân bổ nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông..
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được tập trung.
Cùng với đó, công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được đẩy mạnh. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được nâng cao. Mô hình tổ chức bộ máy của các Ban quản lý dự án sẽ được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Huy nhấn mạnh, đối với các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân.