Bộ Công Thương: Tích cực kết nối cung cầu, nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản
Tích cực thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt
Năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 9/7, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Nhờ sự kết nối của Bộ Công Thương, các kênh phân phối đã vào cuộc tiêu thụ nông sản |
Đáng chú ý, theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, sản lượng tiêu thụ vải thiều trong nước niên vụ 2021 đã đạt 58,6%. Riêng tiêu thụ qua thương mại điện tử năm 2021 đạt khoảng trên 6.000 tấn. Đây là sản lượng tiêu thụ nông sản cao nhất từ trước tới nay bằng hình thức thương mại điện tử. Đồng thời cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại Bộ Công Thương tích cực triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và Bắc Giang đã trở thành một điểm nóng của tâm dịch khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.
Theo Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, không chỉ với trái vải thiều mà việc hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thụ vải thiều và các nông sản từ nhiều năm luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Công Thương, nhất là trong bối cảnh người nông dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Với sự chuẩn bị kỹ càng, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách: Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa thiết yếu và nông sản, hạn chế tình trạng nông sản bị ách tắc trong lưu thông; tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung, các địa phương trong vùng dịch.
Với chủ trương đa dạng hóa kênh phân phối, lấy thị trường trong nước làm nền tảng, Bộ Công Thương thực hiện kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn, các chợ đầu mối nông sản trong nước phối hợp với các địa phương. Thị trường nội địa được mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của mùa vải năm nay đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ).
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến phân phối vải thiều Hải Dương, Bắc Giang cũng như các nông sản Việt trên nền tảng trực tuyến. Thời điểm tháng 5, 6/2021 vừa qua, các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost) và Lazada đều đồng loạt triển khai chiến dịch quảng bá, hỗ trợ tăng cường hiển thị sản phẩm vải thiều trên website bán hàng.
Cùng với thị trường nội địa, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến trái vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh. Nhờ đó, không chỉ thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc tiếp tục được duy trì mà quả vải Việt Nam cũng được các thị trường tiềm năng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU... đón nhận.
Sau thành công trong việc xúc tiến thương mại quả vải thiều trong niên vụ 2021, ngày 15/7, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị Thương mại quốc tế quả nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường thế giới với 21 điểm cầu của 21 nước, nền kinh tế trên thế giới. Tiếp đó là trái thanh long của Bình Thuận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Việc hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thụ vải thiều và các nông sản từ nhiều năm luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Công Thương |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Việc tiêu thụ trái vải đối với Bắc Giang hay tiêu thụ nhãn Hưng Yên trong những ngày tới hoặc trái thanh thanh long của các tỉnh phía Nam cũng sẽ được áp dụng công thức như cách mà các ngành Công Thương và Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giúp cho bà con các tỉnh phía Bắc tiêu thụ trái vải vừa qua”. Được biết, Bộ Công Thương đã chủ trương, trong tương lai, loại hình thương mại điện tử sẽ được áp dụng ngày càng rộng rãi để góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là nông sản ngắn hạn đến kỳ thu hoạch. Trong dài hạn cần phải có những quy hoạch tốt hơn đối với cây trồng, vật nuôi, tìm hiểu kỹ hơn về thị trường cả trong nước và quốc tế để có sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững
Nhận định về chất lượng nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, nước ta có rất nhiều nông sản có chất lượng tốt, tuy nhiên nhiều loại chưa bảo đảm các yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoặc các tiêu chuẩn, điều kiện mà các thị trường của các nước đặt ra, nhất là thị trường khó tính.
Để phát triển thị trường trong nước, thông qua hệ thống các Sở Công Thương và Nông nghiệp địa phương, cần phải đẩy mạnh các loại hình thương mại đa dạng, đặc biệt là thương mại điện tử. Song song với đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả tiêu thụ nông sản của hệ thống bán lẻ, chợ truyền thống trong cả nước để tiêu thụ. “Chúng tôi coi thị trường trong nước với 100 triệu dân là thị trường rất đáng chú ý, nhất là đối với việc tiêu thụ nông sản” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều các tổ chức thương mại thế giới và các FTA. Do đó, cần tranh thủ những hiệp định này. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy được lợi thế các từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì điều quan vẫn là phải tiến hành quy hoạch lại nền nông nghiệp và phát triển theo yêu cầu thị trường của mỗi nước.
Ngày 13/7 mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp”, nhằm tăng cường hành động cụ thể của hai bên trong phối hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nước ta ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
“Tôi nghĩ chương trình hợp tác là điểm bắt đầu và là cơ sở quan trọng cho các chương trình tiếp theo. Quan trọng hơn, phải cụ thể hóa những cam kết bằng các giải pháp như nhanh chóng quy hoạch lại ngành nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời với quy hoạch là phải đi liền với cơ chế chính sách đủ mạnh và đồng bộ, để khuyến khích phát triển đúng hướng. Mặt khác, phải làm rất tốt công tác truyền thông để chính người nông dân hiểu được yêu cầu của thị trường. Phải làm một nền nông nghiệp theo tín hiệu thị trường, theo yêu cầu của thị trường chứ không phải theo truyền thống. Không phải bán ra thị trường những cái mình có, mà cần bán ra những cái thị trường cần” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)