|
Đứng giữa 3 lựa chọn |
Gắn bó với cây cà phê từ nhỏ nên có lẽ, cà phê là một phần cuộc sống của chị Thuỷ. Thế nhưng mãi đến năm 2017, chị Thuỷ mới bắt đầu bước chân vào hành trình gắn bó với cây cà phê. Chị Thuỷ cho biết, trước khi về lại tỉnh Gia Lai, chị từng sống ở TP. Đà Nẵng 6 năm và ở Đà Lạt 3 năm. Quá trình sinh sống và làm việc trong ngành cà phê ở Đà Lạt đã giúp chị đúc kết được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, để dẫn tới quyết định về gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra, chị Thuỷ đã từng phải đứng trước 3 lựa chọn. Theo chị Thuỷ, thời điểm đó, ngành cà phê ở Đà Lạt đang khá phát triển nên chị có nhen nhóm suy nghĩ ở lại công ty để tiếp tục gắn bó. Lựa chọn thứ hai là sẽ vào TP. Hồ Chí Minh để làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia hoặc một công ty lớn để có thể học về quản trị và điều hành chuyên nghiệp. Và lựa chọn thứ ba chính là việc trở về Gia Lai và khởi nghiệp. Đứng giữa ba lựa chọn đó, chị Thuỷ đã chọn... trở về. |
“Ngoài việc thấy Gia Lai là mảnh đất có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển ngành cà phê thì mình cảm thấy cá nhân mình cũng rất thích hợp để trở về. Mình thích ở gần tự nhiên, sống trong một nông trại, gần cây cối, vật nuôi. Cuộc sống như vậy khiến mình cảm thấy nhẹ nhàng và bình yên. Và sau quá trình sinh sống và làm việc ở nhiều nơi thì mình cảm thấy đây là cơ hội để bản thân có thể làm điều gì đó tại quê nhà. Gia Lai chính là quê hương của mình và biết đâu được, mình có thể đóng góp được điều gì đó cho sự phát triển chung của ngành nông. Tất cả động lực đó đã khiến mình quyết định ở lại nơi đây” - chị Thuỷ tâm sự. |
Sau khi về lại Gia Lai, chị Thuỷ đã dành 8 tháng để sống và làm các công việc trong vườn cà phê của gia đình như một người nông dân thực thụ. Trong quá trình này, chị Thuỷ đã có nhiều trăn trở trước thực trạng trồng và canh tác cà phê của người nông dân. Điển hình như việc người nông dân thời điểm đó không chú trọng về chất lượng cà phê mà chỉ canh tác đơn thuần để có sản phẩm bán cho các nhà máy và không được quyền quyết định giá bán của cà phê. Nếu về lâu dài thì kiểu canh tác này sẽ không bền vững và tạo cho người nông dân rất nhiều bất lợi. Trước trăn trở này, chị mới đặt ra cho mình câu hỏi là bản thân cần làm gì để giúp người dân nâng tầm giá trị hạt cà phê Gia Lai và giúp người dân cải thiện thu nhập trong tương lai. Chị Thuỷ bắt đầu suy nghĩ về phương thức canh tác nông nghiệp và ấn định việc sản phẩm sản xuất ra phải là cà phê chất lượng cao. Để cụ thể hoá từng mục đích, chị bắt đầu ứng dụng những kỹ thuật sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản của Đà Lạt vào việc thay đổi kỹ thuật thu hái, kỹ thuật sơ chế và xử lý sau sơ chế. Tuy nhiên, con đường dài hạn hơn lại là câu chuyện đáng để chị Thuỷ để tâm. Xác định nông nghiệp bền vững là một trong những xu hướng của tương lai, đảm bảo việc tạo ra sinh kế, vừa có thể hạn chế được các tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên nên chị Thuỷ đã dấn thân vào con đường làm nông nghiệp theo hướng bền vững. |
Cho phép bản thân thất bại |
Chị Thuỷ nói rằng, trong quá trình bắt đầu khởi sự một điều gì đó thì không thể tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Song, cái quan trọng nhất là bản thân phải biết mình muốn làm gì. Quyết định làm nông nghiệp bền vững không phải là mong muốn nhất thời mà trước lúc đưa ra quyết định đó, chị Thuỷ đã dành một khoảng thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu xem hướng đi của mình có phù hợp với thị trường xã hội hay việc nó có đem lại lợi ích cho nông dân hay không. Chưa kể, thời điểm đó, chị không được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè khi chọn làm nông nghiệp bền vững. Mọi người xung quanh cho rằng việc phụ nữ lựa chọn ngành nông nghiệp thì không phải là thế mạnh, ai cũng khuyên ngăn chị chọn một công việc nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với quyết tâm mạnh mẽ, chị vẫn chọn thực hiện đam mê của riêng mình. |
“Mình cho rằng vấn đề lớn nhất trong cái việc kiên trì theo đuổi một thứ gì đó chính là việc bản thân muốn làm gì và không ngại thất bại. Kể cả việc bạn gặp thất bại thì nhờ đó, bạn cũng đã học được những bài học để tương lai sẽ biết cách cải tiến công việc, cải thiện được những điểm yếu của bản thân và thay đổi quá trình làm việc để đạt được hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả, mình thấy bản thân có đam mê với những gì mình đang làm. Mình yêu cà phê, mình quý trọng việc đang làm bởi nhờ đó có thể đóng góp thêm một chút công sức cho những người xung quanh, cho ngành nông nghiệp địa phương nên đã kiên trì công việc này tới tận bây giờ” - chị Thuỷ bộc bạch. Năm 2019, nông trại Moons Coffee Farm do chị Thuỷ sáng lập đi vào hoạt động. Ngoài chị Thuỷ, nông trại còn có sự tham gia hỗ trợ của gia đình, bạn bè và các tình nguyện viên. Theo chị Thuỷ, ngành cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản hiện đang phổ biến hơn rất nhiều. Để tạo ra được sản phẩm cà phê mang tính địa phương thì người làm ra nó phải thực sự bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu. Người trồng phải quan tâm tới các yếu tố như: Thổ nhưỡng, đất đai, độ cao, vùng trồng, văn hóa canh tác và các đặc điểm riêng của địa phương. Sau 5 năm đi vào canh tác, hiện các sản phẩm chính của nông trại Moons Coffee Farm là cà phê nhân xanh, chưa qua rang xay. Các sản phẩm sau khi đạt yêu cầu sẽ được bán trực tiếp cho các nhà rang xay hoặc bán cho các quán cà phê, cá nhân uống, làm quà tặng. |
Khát vọngnâng tầm hạt cà phê |
Theo chị Thuỷ, nền văn hoá cà phê ở Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng đang phát triển khá mạnh mẽ và rõ nét. Song, đã và đang có sự dịch chuyển tuỳ thuộc vào xu hướng tiêu dùng và sự phát triển của thị trường. Các quán cà phê là một môi trường khá tốt để các bạn trẻ có thể rèn luyện kỹ năng làm dịch vụ pha chế, tiếp đón khách hàng và trải nghiệm những hoạt động khác. Khi nền văn hóa cà phê vốn dĩ đã có và đang phát triển theo xu hướng rất tích cực, các bạn trẻ sẽ đóng một vai trò rất quan trọng đối với ngành cà phê. |
Để lan toả cũng như nâng tầm, quảng bá về cà phê của địa phương, chị Thuỷ đã sáng lập dự án “Tình nguyện viên trao đổi giá trị”. Hơn 2 năm qua, nông trại Moon’s Coffee Farm của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy đón khá nhiều tình nguyện viên quốc tế đến trải nghiệm cách làm nông nghiệp. Các bạn trẻ đến từ các nước Đức, Pháp, Israel được lưu trú, làm việc và sinh hoạt như một người nông dân tại nông trại. Cùng với đó, năm 2023, chị Thuỷ đã mở tiệm cà phê mang tên "Bây giờ và Ở đây" (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Đây là nơi người dân, du khách khi ghé tới sẽ được tiếp cận, thưởng thức những ly cà phê chất lượng cao. Từ những trải nghiệm đó, mọi người sẽ quan tâm hơn tới quá trình sản xuất, sơ chế và những giá trị thặng dư của thức uống mà họ đang dùng. |
|
Thực hiện: Hiền Mai
|