Thứ năm 26/12/2024 01:41

Bộ Công Thương thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Ngày 29/10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã cung cấp, làm rõ hàng loạt giải pháp của Bộ đã thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Thị trường xăng dầu biến động, diễn biến phức tạp

Thông tin tại buổi họp báo, trước câu hỏi của một số phóng viên về những giải pháp trong thời gian tới của Bộ Công Thương trong giải pháp ổn định nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bất thường, dị biệt, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn.

Ngay từ cuối năm 2021, khi xảy ra xung đột Nga - Ukraina thì thị trường xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Giá xăng dầu thành phẩm của thế giới bình quân khoảng 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng từ 57-85% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến tháng 9 thì giá xăng dầu lại giảm và giảm liên tục với biên độ lớn. Dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu tháng 10 trở lại đây, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng của Tổ chức Opec+.

Gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bản lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nguồn cung không ổn định.

Ngoài ra, Việt Nam còn phải nhập khẩu dầu thô để cho 2 nhà máy lọc dầu trong nước hoạt động, chế biến xăng dầu thành phẩm. Đồng thời, do giá biến động lớn, phức tạp nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về những giải pháp của Bộ đã thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải còn chỉ ra một số nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu bị sụt giảm là do: Tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, hạn mức tín dụng chưa được điều chỉnh đã ảnh hưởng tới sản lượng xăng dầu nhập về. Đồng thời tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2-3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Đồng thời chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, tăng liên tục trong khi các chi phí này chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới, rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước Giấy phép này. Mưa bão cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện hàng loạt các giải pháp để bảo đảm nguồn cung

Trong thời gian qua, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường: Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Bộ cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện về việc thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu; khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ

Bộ cũng đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Đồng thời, Bộ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước như Bình Sơn, Nghi Sơn có các biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với Nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ; điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đánh giá thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 9 tháng đầu năm 2022 và phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Quý IV năm 2022 để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng họp với doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chi phí và hạn mức tín dụng

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin cho biết: Ngay trong chiều 29/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp cùng với các bộ ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo những giải pháp căn cơ và lâu dài, theo đó, Bộ Tài chính căn cứ vào quy định tại Nghị định 83, 95 để kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở.

Đồng thời, trên cơ sở ý kiến về những khó khăn cần tháo gỡ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã tổng hợp và kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước một số vấn đề sau: Hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ kịp thời các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở). Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho thông quan xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam để bảo đảm ra thị trường.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe các ý kiến, tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu

Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Đối với Bộ Công Thương là đầu mối thì tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, đảm bảo nguồn cung, rà soát các hệ thống phân phối, đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, yêu cầu quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cơ sở không thực hiện các quy định hiện hành về cung ứng xăng dầu.

Đối với các địa phương Bộ Công Thương đề nghị cần phải chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển hàng hóa trong giờ cao điểm và chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung và có phương án kiểm tra giám sát việc thực hiện kinh doanh xăng dầu.

Về giải pháp căn cơ, dài hạn thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đánh giá việc thực hiện quy định và sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Liên quan tới vấn đề hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: Đối với hạn mức tín dụng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với Bộ Công Thương cung cấp 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước đã rà soát với các tổ chức tín dụng. Qua báo cáo của 15 ngân hàng cấp tín dụng cho 16 doanh nghiệp đầu mối thì hiện tại tỷ lệ hạn mức sử dụng chưa hết và vẫn còn thấp.

Qua đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy tại sao lại có thông tin hết hạn mức cho vay? Vấn đề nằm ở chỗ hạn mức đã bao gồm cả hạn mức cho vay, cho vay đồng Việt Nam, ngoại tệ. Tất cả các số dư đều rất thấp so với hạn mức mà các ngân hàng đã cấp cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Vấn đề này không hẳn nằm ở phía ngân hàng hay doanh nghiệp mà do phương án tài chính chưa hiệu quả, điều kiện vay vốn của doanh nghiệp chưa đảm bảo... Vì vậy, hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết, số dư còn tương đối lớn.

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: thị trường xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Phân công Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị mở rộng dự án gần 2 tỷ USD tại Cà Mau

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc

Các ban đảng đã hoàn thiện đề án tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương

Nhân sự 23/12: Tỉnh ủy Phú Thọ, Sơn La, Đồng Nai triển khai quy trình về công tác cán bộ

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ, hợp tác với Australia

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tăng trưởng 2 con số

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Chống lãng phí, tiết kiệm góp phần tăng sức mạnh quốc gia

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Bộ Công Thương hoà cùng ‘dòng chảy’ chống lãng phí, tạo đột phá phát triển trong kỷ nguyên mới

Đường dây 500kV mạch 3: 'Chiến dịch' thần tốc, tiết kiệm và hiệu quả

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)