Bộ Công Thương khuyến nghị giải pháp xuất khẩu nông sản ổn định sang thị trường Trung Quốc
Nan giải bài toán tiêu thụ
Ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, được mùa mất giá, giải cứu nông sản… là những vấn đề xảy ra thường xuyên, hầu như năm nào cũng có. Bên cạnh đó, thì hiện nay giá nông sản cũng đã tụt giảm so với những năm trước do đã tăng trưởng nóng một thời gian… Nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản thường gặp khó khăn, theo Bộ Công Thương, là do nền nông nghiệp Việt Nam qui mô còn nhỏ, lẻ, phân tán, tự phát, phát triển manh mún và theo phong trào, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Chất lượng các mặt hàng nông sản của Việt Nam không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn thiếu sự liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu. Thiếu sự liên kết sản phẩm theo vùng, theo địa phương, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ chưa được coi là một yếu tố hạt nhân, then chốt trong qui trình này, dẫn đến việc tổ chức sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả cao.
Xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn |
Trong xu thế của nền kinh tế thị trường, sản xuất và phân phối lưu thông là phải đáp ứng được nguyên tắc gắn kết với thị trường theo qui luật cung - cầu. Bộ Công Thương cho rằng: Chỉ khi nào nông nghiệp Việt Nam tổ chức được sản xuất hiệu quả theo qui mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; tổ chức các hệ thống phân phối, thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị trong đó doanh nghiệp được coi là yếu tố hạt nhân, then chốt; nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả; xây dựng và bảo vệ được thương hiệu các mặt hàng nông sản, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ...; khi đó, mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề cho xuất khẩu nông sản ổn định, bền vững.
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế Việt Nam có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển và có vai trò quan trọng phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy trong quá trình đàm phán hội nhập quốc tế, đoàn đàm phán của Việt Nam luôn đặt mục tiêu để đạt được phương án tốt nhất cho hàng hóa nông sản của mình có được những điều kiện và cơ hội tốt nhất để xuất khẩu. |
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết (FTA) thông qua nội luật hóa các cam kết, tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cấp C/O qua internet; Triển khai hiệu quả, đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan đến các FTA tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng dưới nhiều hình thức như hội thảo, hội nghị, tập huấn, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí… ; Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát và cập nhật tình hình giá cả, những biến động của thị trường thế giới, dự báo tình hình thị trường xuất khẩu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn tới hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua nhiều hình thức để định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời chuẩn bị và ứng phó với những biến động của thị trường. Chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý.
Thực hiện đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020, chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tăng các hoạt động có tác dụng lâu dài, giảm các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời (hội chợ, triển lãm), chú trọng xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa nông sản…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì về quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với nông, lâm thủy sản) cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó; lập cơ sở sữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo.
Thu hoạc thanh long ở Bình Thuận. Ảnh minh họa |
Chủ động và thay đổi tư duy
Để xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị: UBND các tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc cần liên tục cập nhật tình hình chính sách phía Trung Quốc và xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm để phối hợp với các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cảnh báo, điều phối hiệu quả hàng hóa đưa lên biên giới; thu hút đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, tăng cường cơ chế phối hợp của các lực lượng chức năng hai nước làm nhiệm vụ ở cửa khẩu để tạo thuận lợi và có những biện pháp kị thời tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu; quán triệt chủ trương thúc đẩy trao đổi thương mại chính ngạch, từng bước giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.
UBND các tỉnh sản xuất nông sản xuất khẩu trọng điểm cần chủ động nắm bắt thông tin, liên quan về thị trường Trung Quốc và diễn biến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới để khuyến nghị tới người nông dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt các văn bản khuyến nghị của các bộ, ngành liên quan về thị trường Trung Quốc; phổ biến, định hướng và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp… tái cơ cấu sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thay đổi nhận thức về phương thức xuất khẩu để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Các hiệp hội ngành hàng tích cực, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng về thị trường Trung Quốc; hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiêp trong công tác đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc thực vật, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu; nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá trong thương mại nông sản qua biên giới.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cần chủ động theo dõi sát tình hình khu vực biên giới nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu để tránh phát sinh ùn ứ và gặp các tác động bất lợi khác; chủ động nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thị trường, các qui định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của Trung Quốc cũng như các khuyến cáo cơ quan quan nhà nhước có chức năng; thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, chuyển từ phương thức giao dịch xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang chính ngạch; tuân thủ tốt các qui định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các qui định, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu Việt nam đã thỏa thuận với Trung Quốc, nhất là để tận dụng tốt cơ hội thị trường Trung Quốc phục hồi sau dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản với các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua mạng lưới phân phối phù hợp với thị trường; tăng cường phát triển thương hiệu, mẫu mã và bao bì sản phẩm, nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngồn ngữ nhằm đáp ứng được đúng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc.