Thứ bảy 28/12/2024 12:41

Bộ Công Thương: Hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính

Thông qua các nguồn lực quốc tế, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Thưa ông, Bộ Công Thương đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 nhằm giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050?

Giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon trong chuỗi sản xuất công nghiệp là xu thế tất yếu của toàn cầu trong những thập kỷ tới. Với nỗ lực của cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21. Điều này đã đánh dấu mốc quan trọng để các quốc gia cùng thực hiện lộ trình mới chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, đáp ứng các mục tiêu về phát triển bền vững.

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương

Để hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã ban hành và triển khai các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng carbon thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng các giải pháp quản lý, kỹ thuật thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam lần đầu tiên quy định cụ thể về kiểm kê, đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả kiểm kê khí nhà kính, kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và quy định về việc thành lập và vận thành thị trường carbon nội địa tại Việt Nam tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP).

Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2020 của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính theo kịch bản phát triển thông thường từ lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc lĩnh vực công thương vào năm 2030 chiếm tới khoảng 80% tổng phát thải quốc gia và theo quy định tại Nghị định số 06, Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Với mục tiêu mới của Việt Nam tại COP 26, ngành công thương cần nỗ lực cao hơn nữa để đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh là cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đem lại lợi ích lớn cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề còn mới đối với Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước không tham gia hoạt động xuất khẩu hoặc không nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vậy theo ông, việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon có nghĩa như thế nào đối với việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26?

Tại Hội nghị COP 26 vừa qua, cộng đồng quốc tế đã đạt được cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng của các quốc gia về 0 vào khoảng giữa thế kỷ 21. Đây là mục tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất của các quốc gia trên thế giới triển khai nhiều giải pháp như chuyển dịch sang năng lượng sạch, phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế các dạng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng carbon,…

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải tham vọng nêu trên đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng, phát thải khí nhà kính lớn. Phát triển thị trường carbon là một giải pháp hết sức quan trọng để huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua thị trường carbon, các doanh nghiệp sẽ có động lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, vì khi đó, doanh nghiệp sẽ vừa đạt mục tiêu về phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích về kinh tế. Chỉ khi có sự tham gia của toàn xã hội thì mới đủ nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính nêu trên.

Thị trường carbon đã được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, vận hành và đã trải qua nhiều chu kỳ phát triển điển hình như thị trường mua bán phát thải của châu Âu (EU-ETS) hoặc một số vùng, bang của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, gần nhất là Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành công quan trọng. Xu thế phát triển thị trường carbon sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng trên nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính.

Vậy để xây dựng và vận hành thị trường carbon Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Thị trường carbon là một vấn đề rất mới ở nước ta. Theo kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới, để xây dựng được thị trường carbon, thời gian chuẩn bị và thí điểm kéo dài khá lâu, thường là trên dưới 10 năm và tiếp tục được hoàn thiện qua nhiều giai đoạn phát triển ví dụ như EU-ETS phát triển từ những năm 1995-1997 và đến nay đã trải qua 3 giai đoạn mới có được một hệ thống mua bán tín chỉ carbon được cho là khá hoàn thiện. Còn đối với thị trường ETS của Trung Quốc cũng được nghiên cứu từ đầu những năm 2010, đến nay cũng đang trong quá trình mở rộng và hoàn thiện.

Để xây dựng và hình thành thị trường carbon, có 3 nội dung quan trọng cần phải thực hiện:

Thứ nhất là vấn đề khung chính sách và pháp lý cho cơ chế quản lý, vận hành và các quy định về giao dịch mua bán tín chỉ carbon một cách chi tiết, hướng dẫn cho các bên liên quan thực hiện một cách đầy đủ và minh bạch.

Thứ hai là vấn đề giám sát hoạt động để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả bao gồm xây dựng và vận hành thật tốt hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho các đối tượng tham gia thị trường ở cấp độ cao nhất.

Thứ ba là đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý vận hành thị trường carbon từ Trung ương đến địa phương, các bên tham gia vào quá trình mua bán tín chỉ carbon trên thị trường như các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thẩm định, hệ thống các ngân hàng,…

Đối với thị trường carbon ở Việt Nam, chúng ta đã xây dựng được khung pháp lý quy định tại Điều 139, Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đây là nền tảng cơ bản cho các quy định cụ thể về thị trường carbon trong tương lai. Tuy nhiên, lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cần nhiều thời gian, công sức để củng cố và hoàn thiện cả về khung pháp lý và sự sẵn sàng của các bên liên quan như xây dựng và vận hành hệ thống MRV, đào tạo tập huấn cho các bên có liên quan và quan trọng hơn đó là sự định giá phát thải carbon là động lực quan trọng cho sự tham gia thị trường carbon.

Đây là vấn đề còn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam vậy Bộ Công Thương đã có những hoạt động cụ thể nào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có phát thải lớn, thưa ông?

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan, nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệp, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát triển năng lượng sạch góp phần giảm phát thải CO2

Trước hết phải kể đến Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng Thế giới tài trợ về sẵn sàng tham gia thị trường carbon thực hiện giai đoạn 2018-2020 (Dự án Partnership for Market Readiness - PMR), Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn về tính toán, kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp ngành thép. Thông qua các hoạt động của dự án, doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương đã nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của việc kiểm soát phát thải khí nhà kính theo yêu cầu mới của quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Tiếp theo là Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng thực hiện năm 2020-2021 đã triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn có cơ hội làm quen và thực hành các hướng dẫn mới nhất của quốc tế về chế độ báo cáo, đo đạc và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính tại cơ sở. Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp đã từng bước sẵn sàng triển khai các biện pháp quản lý giảm phát thải khí nhà kính tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường và chuẩn bị cho quá trình tham gia thị trường carbon trong tương lai…

Vậy còn về mặt hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, đề xuất và tham mưu như thế nào cho Chính phủ, thưa ông?

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nêu trên, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngành công thương như chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần vào giảm phát thải khí CO2

Việc chuyển dịch này sẽ góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển theo hướng carbon thấp và giúp doanh nghiệp giảm dấu vết carbon trong quá trình sản xuất kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và có nhiều các quy định của quốc tế về phát thải khí nhà kính được ban hành như dấu vết carbon (Carbon footprint), chính sách thuế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU như CBAM - Carbon Border Adjustment Mechanism).

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy định về kiểm kê, chế độ đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các phương thức quản lý, giải pháp công nghệ để kiểm soát phát thải khí nhà kính, từng bước tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường thực hiện
Bài viết cùng chủ đề: Khí nhà kính

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Bệ phóng chuyển đổi số: Đột phá đào tạo nhân lực ngành Công Thương

Ngành phân bón tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo

Xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp đừng quên thực hiện trách nhiệm xã hội

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

Bước tiến mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương

TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững

Nâng cao năng lực chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0

Bộ Công Thương phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả

Để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

Tái khởi động điện hạt nhân: Quyết sách chiến lược vì tương lai năng lượng Việt Nam

Vượt qua rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Thúc đẩy tài chính xanh: Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa