Bộ Công Thương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đủ về số lượng, có chất lượng phù hợp với chiến lược phát triển ngành Công Thương.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương |
Thưa ông, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Công Thương đang triển khai những đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gì cho cán bộ, công chức, viên chức? Và kết quả của các chương trình này ra sao?
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Bộ Công Thương đang căn cứ theo những nghị định, hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác đào tạo công chức, viên chức.
Hằng năm, Bộ lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giao cho Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương triển khai kế hoạch thực hiện. Bộ cũng cử những công chức, viên chức đi học tập để nâng cao trình độ từ các chương trình học bổng ngắn hạn, dài hạn tại nước ngoài do các cơ quan bộ, ngành khác tổ chức. Các khóa đào tạo có những nội dung liên quan đến bộ/ngành thì chúng tôi cũng cử công chức, viên chức tham gia, học tập.
Về kết quả năm 2025, Bộ Công Thương đã đào tạo được khoảng 9.000 lượt công chức đi học các lớp của cơ quan Bộ, của lực lượng quản lý thị trường. Chủ yếu tập trung vào cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, an ninh quốc phòng, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và kiểm soát viên. Về đào tạo ở nước ngoài cũng có từ 5-7 công chức đi học thạc sĩ tại nước ngoài như: Úc, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước các yêu cầu đổi mới, Vụ Tổ chức cán bộ đã tập trung tham mưu vào những nội dung cốt lõi gì khi thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, thưa ông?
Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; trước tình hình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự thay đổi về các quy định của Đảng và Nhà nước, Chính phủ với các khái niệm về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ AI, công nghệ bán dẫn thì Vụ Tổ chức cán bộ cũng thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ tập trung vào một số nội dung chính và cơ bản.
Thứ nhất, đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh và theo vị trí việc làm trên cơ sở khung năng lực.
Thứ hai, cử cán bộ, công chức đi để chủ động tìm hiểu, nắm được công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đặc biệt là liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, công nghệ AI, công nghệ bán dẫn.
Thứ ba, tập trung việc đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ công chức để cập nhật những thay đổi về cơ chế chính sách, những xu thế dịch chuyển mới.
Qua theo dõi, tổng hợp các chương trình, đề án đào tạo bồi dưỡng của Bộ Công Thương, ông thấy còn những khó khăn gì nổi lên cần khắc phục?
Qua theo dõi về công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như việc triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, về triển khai thực hiện đề án. Bộ Công Thương có rất nhiều đề án về đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên đến lục tổ chức triển khai thực hiện thì nó cũng có nhiều những cái cái việc mà cần phải phải liên quan đến công tác phối hợp.
Thứ hai, công chức, viên chức hiện nay chủ yếu là tập trung đi học những khóa học bắt buộc, chưa chủ động đăng ký các khóa học để tìm hiểu những vấn đề mới trước những sự thay đổi của công nghệ…
Thứ ba, thiếu kinh phí tổ chức các khóa đào tạo.
Thứ tư, các quy định về kinh phí đào tạo còn nhiều bất cập. Ví dụ về chế độ chi trả báo cáo viên, chế độ đối với người học. Thù lao thấp thì cũng không thể mời được báo cáo viên giỏi mà có trình độ và nổi tiếng.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương năm 2024 |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ Công Thương, đáp ứng yêu cầu mới, nhất là chuyển đổi số thời kỳ hội nhập, thời gian sắp tới Bộ sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch như thế nào? ông có khuyến nghị gì với các cơ sở đào tạo trực tiếp cũng như các đơn vị thụ hưởng?
Năm 2025 và những năm tiếp theo, trước hết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những kế hoạch đào tạo, đào tạo lại theo quy định của Đảng, Chính phủ đối với công chức, viên chức.
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế để có những sự hỗ trợ từ nguồn học bổng từ các nước và các tổ chức quốc tế, cũng như các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thứ ba, động viên, khuyến khích công chức, viên chức tích cực tham gia các khóa học, tìm hiểu về những vấn đề mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ AI…
Thứ tư, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xây dựng những quy định về cử công chức, viên chức bắt buộc tham gia những khóa đào tạo để tìm hiểu về những vấn đề mới, cập nhật những kiến thức mới để phục vụ cho công việc chuyên môn.
Đối với cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương, cụ thể là Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, tôi có một số khuyến nghị.
Theo đó, phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm để báo cáo Bộ, trong đó tập trung vào những vấn đề mới, vấn đề cần thiết phải đào tạo lại. Triển khai thực hiện những kế hoạch đó một cách kịp thời, đúng thời gian và đúng quy định.
Cùng với đó, thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để đánh giá người học. Từ đó đề xuất chỉnh sửa các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế mới, tình hình mới theo vị trí việc làm, theo khung năng lực. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, chuyên gia có trình độ cao để tạo được sự thích thú, cảm hứng của người học trong học tập.
Xin cảm ơn ông!