Bình Phước: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% so cùng với cùng kỳ
Cục Thống kê tỉnh Bình Phước vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tính tăng hơn 7% so tháng trước và tăng trên 20% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng hơn 4% so với tháng trước, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những bước chuyển khá tích cực khi tăng lần lượt trên 7%, tăng hơn 20%. Tình hình sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định đã tạo đà cho nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng lần lượt gần 7%, tăng gần 15%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng gần 3%, tăng hơn 11%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2024 của tỉnh Bình Phước so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Cục Thống kê tỉnh Bình Phước |
Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Chính quyền tỉnh nhà. Trong 4 nhóm ngành chính đều đạt được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, khai khoáng (hơn 12%); chế biến, chế tạo (hơn 17%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (hơn 10%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (gần +7,5%).
Một số ngành chế biến chế tạo có chỉ số IIP tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất xe có động cơ (gần 100%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (tăng hơn 27%); in, sao chép bản ghi các loại (hơn 26%); sản xuất chế biến thực phẩm (hơn 22%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (gần 16%)… Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ như: Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) (hơn 1,6 lần); dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại (hơn 45%); dịch vụ sản xuất giày, dép (gần 13%); thịt gà đông lạnh (gần 6%)... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo; dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự; dao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn.
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 10 tăng gần 3% so với tháng trước và tăng gần 10% so cùng kỳ. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định, lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng nhẹ, lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng tích cực. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động nhẹ so với cùng kỳ. Tiêng ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động tăng khá cao.
Sản xuất xe có động cơ tăng gần đôi so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa |
Xuất nhập khẩu tăng nhẹ
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10/2024 của tỉnh ước đạt trên 545 triệu USD, tăng gần 6,5% so với tháng trước và tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước 10 tháng đầu năm 2024 đạt trên 4,2 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ, đạt gần 93% so với kế hoạch năm 2024.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 10/2024 của tỉnh ước đạt trên 354 triệu USD, tăng hơn 9% so với tháng trước và tăng gần 34% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước 10 tháng đầu năm đạt trên trên 2,6 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ, đạt gần 94% so với kế hoạch năm 2024.
Đầu tư và hoạt động doanh nghiệp ổn định
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, dự kiến trong tháng 10/2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt trên 490 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng năm 2024, khối lượng đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt trên 3.570 tỷ đồng.
Còn về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 28/10/2024 tỉnh giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 30% so với chỉ tiêu trung ương giao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nguyên nhân do thu tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, trong khi vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trên tổng vốn đầu tư công của tỉnh, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án từ nguồn vốn này.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút được 1 dự án trong nước với số vốn thu hút là 245 tỷ đồng (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng). Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm là 20 dự án, số vốn thu hút được hơn 195 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng).
Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh có 108 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 770 tỷ đồng; 30 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động; 14 doanh nghiệp đăng ký giải thể; 38 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, có gần 970 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là trên 13.000 tỷ đồng; 315 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động; 107 doanh nghiệp đăng ký giải thể; 716 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.