Bảo đảm hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, căn cứ Chỉ thị số 15 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 5936 bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực của chương trình, phối hợp với các sở, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.
Hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thấp hơn thị trường từ 5 - 10% |
Cụ thể, Bình Dương tiếp tục dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2021 bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... Tổng giá trị hàng hóa dự trữ theo kế hoạch khoảng 4.787 tỷ đồng, chưa bao gồm lượng xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh. Đáng chú ý, số lượng hàng hóa tăng 14,9% so với kế hoạch năm 2020, trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu khoảng 1.711 tỷ đồng, tăng 16,9% so với kế hoạch năm 2020.
Các DN tham gia chương trình bình ổn đã chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ Tết sớm, do đó, lượng hàng hóa dồi dào, mặt hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, hàng hóa đều niêm yết giá đầy đủ.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân giai đoạn trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, các DN đã chủ động ký kết hợp đồng kinh tế với nhà cung cấp qua hình thức tạm ứng vốn của DN để giữ mặt bằng giá trong từng thời điểm, góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện công tác an sinh xã hội.
Hàng hóa bình ổn thấp hơn giá thị trường 5 - 10%
Theo đánh giá của ngành Công Thương Bình Dương, các DN tham gia bình ổn thị trường dự trữ lượng hàng hóa ước đạt 100% so với kế hoạch. Hàng hóa đã được các DN phân phối bán buôn, bán lẻ tại 12 siêu thị, 250 cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bao gồm cả người lao động ở lại Bình Dương đón Tết và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới. Các DN đã thực hiện đúng cam kết đảm bảo số lượng và bán theo đúng giá bình ổn các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng đã đăng ký, thấp hơn giá thị trường 5 - 10%.
Người dân mua thịt heo bình ổn giá tại siêu thị |
Bên cạnh kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, tránh tình trạng sốt giá ảo, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được tăng cường. Khảo sát của các cơ quan chức năng Bình Dương cho thấy, sau Tết Tân Sửu, thị trường giá cả hàng hóa tiếp tục ổn định, không phát sinh hiện tượng găm hàng, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố và các DN tham gia bình ổn thị trường triên khai thực hiện tốt Kế hoạch số 5936/KH-UBND của UBND Bình Dương, về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị tốt hàng hóa nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng có đủ hàng hóa sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Đáng chú ý, ngoài việc các DN tham gia chương trình bình ổn bán hàng tại các siêu thị, Sở Công Thương đã làm việc với các DN về việc tổ chức bán hàng bình ổn lưu động theo hướng tổ chức ở các huyện phía Bắc Bình Dương, các điểm tập trung đông dân cư, khu, cụm công nghiệp, tăng quy mô, chất lượng phục vụ, chủng loại hàng hóa. Đồng thời, cũng đề nghị các DN tổ chức bán hàng lưu động theo hướng thiết thực, phong phú, đa dạng các mặt hàng, nâng cao hiệu quả bán hàng, chất lượng phục vụ cho người dân gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn...