Bình Dương đẩy nhanh tiến độ công trình điện, đảm bảo điện sản xuất cho các khu công nghiệp
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất hơn 13.600 ha. Đặc biệt, đây là địa phương phát triển về công nghiệp với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao, nên áp lực trong việc đảm bảo điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình điện, bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương |
Mặt khác, Bình Dương cũng là 1 trong 4 tỉnh thành có sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất cả nước. Trong đó, hơn 70% tổng sản lượng điện thương phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Dự báo trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu tăng cao trở lại do các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển sau dịch. Đồng thời được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Do đó, ngành điện xác định việc đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Chỉ tính riêng, trong 6 tháng năm 2024 sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 8,197 tỷ kWh tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm cả năm 2024 ước đạt 15,74 tỷ kWh tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 đạt 14,2 tỷ kWh).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Công ty Điện lực Bình Dương - cho biết: Trong những năm qua, ngành điện đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trình điện bảo đảm phụ tải để đáp ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, ưu tiên cho các công trình, trạm biến áp phục vụ sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, để đảm bảo khả năng cung cấp điện và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tổng vốn cho công tác đầu tư xây dựng lưới điện 110kV và trung hạ thế trong giai đoạn 2022-2025 khoảng trên 4.500 tỷ đồng. Trong đó năm 2024 dự kiến hơn 504 tỷ đồng (vốn kế hoạch cơ bản gần 159 tỷ, vốn vay tín dụng hơn 345,6 tỷ đồng).
Trong đó, ưu tiên đầu tư các hạng mục cải tạo lưới điện 110kV hiện hữu và nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung hạ thế và trạm biến áp, nhằm giảm tải lưới điện hiện hữu, đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Minh Quốc Việt - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương - cho biết: Hiện hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng đầy tải. Do đó, đòi hỏi công tác đầu tư các trạm biến áp, cải tạo nâng cấp lưới điện, nhằm tăng độ tin cậy cung cấp điện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiến độ các dự án công trình điện hiện nay đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hướng tuyến… đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết, sẽ phối hợp cùng Công ty Điện lực Bình Dương để tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án, công trình điện, nhằm bảo đảm nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Trong năm 2024, sẽ quyết tâm hoàn thành từ 9 - 11 công trình điện, góp phần giảm quá tải cho hệ thống lưới điện. Đồng thời, cố gắng đưa các trạm biến áp vào để giảm tải, có thời gian bảo trì, bảo dưỡng hệ thống công trình, lưới điện. Qua đó hạn chế các sự cố liên quan, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Toàn nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Bình Dương tập trung bảo đảm cung ứng điện cho các khách hàng công nghiệp, khách hàng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình điện, nhất là dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2A (VSIP 2A) mở rộng, Trạm biến áp Tân Định 2… nhằm bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. |