Bình Dương: Cấm bắt ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức
Dựa trên cơ sở Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 quy định về việc dạy thêm, học thêm, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quyết định bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 19 của Quy định về dạy thêm, học thêm tại Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012. Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND cũng sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến công tác dạy thêm, học thêm. Cụ thể, không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa dể đưa vào giờ dạy thêm, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Bình Dương luôn siết chặt công tác dạy thêm, học thêm, tập trung đổi mới phương pháp học tập và giảng dạy ở các cấp học |
Học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý, nội dung của Quyết định cũng kiên quyết không được dùng bất kỳ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khoá. Các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải chịu trách nhiệm về các nội dung xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Mặt khác, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường về việc học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung về mức thu, chi và quản lý tiền học thêm trong nhà trường. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý; được thoả thuận bằng văn bản giữa phụ huynh học sinh và nhà trường; đảm bảo phù hợp với điều kiện và mức sống thực tế của từng địa bàn. Thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy không ít hơn 80% tổng tiền thu. Đồng thời, trả chi phí tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ dạy thêm, học thêm và công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường không nhiều hơn 20% tổng tiền đã thu được.