Bình Định: Quý I/2024, sản xuất công nghiệp, thương mại có nhiều khởi sắc
Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, tháng 3/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước tăng 6,1% so với cùng kỳ; tính chung quý I/2024 tăng 7,05% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2024 tăng 7-7,7%).
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 15,29%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,35%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,34%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 14,31% so cùng kỳ.
Trong quý I/2024, một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ do nhận nhiều đơn hàng hơn như: Tấm lợp bằng kim loại tăng hơn 226%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng hơn 100%; máy và thiết bị cơ khí tăng hơn 70%;...
Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định khởi sắc trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: V.X |
03 tháng đầu năm, Bình Định có 04 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 126,1 tỷ đồng, tổng diện tích 7,5 ha. Đến nay, đã thu hút 374 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu 717,6 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động 79,4%; bình quân 1,9 ha/dự án, chủ yếu các ngành nghề thế mạnh của tỉnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 ước đạt hơn 27.361 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đạt 23,9% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng). Điều này có được là nhờ các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị tốt lực lượng hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt, giá cả hấp dẫn đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân; bên cạnh việc thực hiện phương án bình ổn thị trường Tết nên không xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa.
Về kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2024 ước đạt 132,2 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2024 ước thực hiện 390 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, đạt 23,6% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2024 ước đạt 79,5 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định nhìn nhận, hiện nay nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh ở một số thị trường chủ lực (Mỹ, EU); đồng thời, thị trường bất động sản trong nước gặp khó khăn nên hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng về đầu ra do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng dẫn đến sản xuất giảm, hàng tồn kho nhiều.
Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm mạnh, tồn kho tăng cao, sản lượng tiêu thụ chậm so cùng kỳ, đặc biệt là ngành sản xuất: Thủy sản, tinh bột, sắn, dăm gỗ, gạch xây dựng... do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, đặc biệt chi phí logistics xuất khẩu tăng rất cao; chưa có nhiều đơn hàng mới với số lượng lớn được ký kết, khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới...
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao: Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí logistics, cùng với các khó khăn tiềm ẩn khác đã gây áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng...