Bình Định vẫn còn tồn trên 32.000 con heo trong nhân dân |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đến tháng 4/2017, tổng đàn heo của tỉnh Bình Định giảm 17% do hứng chịu 5 đợt lũ cuối năm 2016 và khó khăn do đầu ra năm 2017, tổng đàn heo đạt trên 727.000 con, trong đó có gần 567.000 con heo thịt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, giá heo hơi lại tiếp tục giảm, chỉ còn 19.000-23.000 đồng/kg hơi, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện thị xã, thành phố và huy động cả hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “giải cứu” người chăn nuôi tiêu thụ thịt heo.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện tỉnh có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã mở 85 điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi, mỗi ngày tiêu thụ được từ 120 - 150 con (mỗi con heo nặng trên 100kg). Tính đến nay, sản lượng thịt heo móc hàm tiêu thụ khoảng hơn 102 tấn thịt.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định, tiếp tục huy động tổng lực để “giải cứu” thị heo giúp người chăn nuôi. Đồng thời phê bình chủ tịch UBND 3 huyện Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ chậm thực hiện xây dựng các điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi theo chỉ đạo, nếu không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm hướng dẫn các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách về chính sách tín dụng giúp người chăn nuôi khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi; xem xét đưa sản phẩm chăn nuôi vào đối tượng hỗ trợ bình ổn giá để giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất; chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ đàm phán để ký kết hiệp định xuất khẩu heo hơi, thịt heo sang các nước bạn. Đồng thời, chỉ đạo tạm dừng nhập thịt gia súc, gia cầm đông lạnh để khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ nhanh lượng thịt heo còn tồn đọng trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích cho hoạt động này. Triển khai các dự án giống gia súc, gia cầm năng suất cao, chất lượng tốt để chuyển giao các địa phương phục vụ phát triển chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ.