79 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, tình trạng mù chữ lan tràn đã trở thành một thách thức trực tiếp đối với sự phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào bình dân học vụ, nhằm xóa nạn mù chữ trên toàn quốc. Tinh thần của phong trào không chỉ giúp nâng cao dân trí mà còn gắn liền với sứ mệnh xây dựng một nền tảng văn hóa - xã hội vững chắc cho quốc gia.
79 năm sau, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) đã nhắc lại giá trị của phong trào bình dân học vụ và đề xuất một cách tiếp cận mới: Phát động phong trào bình dân học vụ số.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chống nạn mù chữ là việc phải làm ngay sau chống nạn đói. Ảnh tư liệu |
Từ bình dân học vụ năm xưa...
Tháng 9/1945, chỉ vài ngày sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về việc xóa nạn mù chữ. Thời điểm đó, hơn 95% dân số không biết đọc, biết viết. Đối với một quốc gia vừa thoát khỏi ách đô hộ, đây là một cản trở nghiêm trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập. Phong trào bình dân học vụ thời điểm đó đã được triển khai với khẩu hiệu “Diệt giặc dốt, cứu nước”.
Bám sát khẩu hiệu đó, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, hàng loạt lớp học được mở ra trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Các lớp học diễn ra ở nhà dân, đình làng, sân chùa, thậm chí ngay trên cánh đồng. Giáo viên là các cán bộ, bộ đội, học sinh và những người đã biết chữ, với tinh thần tình nguyện và trách nhiệm cao cả. Kết quả là trong vòng 3 năm, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết. Phong trào không chỉ xóa mù chữ mà còn giúp củng cố lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc trong một bối cảnh vô cùng khó khăn.
Đến bình dân học vụ số hôm nay
Kỷ nguyên công nghệ số đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn về khoảng cách tri thức và kỹ năng số giữa các tầng lớp dân cư. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa tiếp cận được các kỹ năng cơ bản để tham gia vào xã hội số.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Ảnh:TTXVN |
Chính vì thế, nhắc lại bài học từ bình dân học vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phong trào bình dân học vụ với chính sách “cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền” sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương ứng sau 13 năm và 20 năm, đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước”.
Từ ý tưởng này, Tổng Bí thư trong bài phát biểu của mình đã đưa ra một số yêu cầu về những việc cần làm ngay, trong đó có ý tưởng về bình dân học vụ số:
“Về một số công việc cần làm ngay gồm có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.
Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Có thể nói, ý tưởng về bình dân học vụ số xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của việc xóa “mù chữ công nghệ” - một dạng mù chữ mới trong thời đại 4.0. Bài học kinh nghiệm từ những ngày tháng khó khăn, từ bình dân học vụ vẫn giữ nguyên giá trị.
Nhìn lại phong trào bình dân học vụ năm xưa, có thể thấy rằng, sự thành công không chỉ đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền mà còn từ lòng dân, từ tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc giữa đói, khổ, chiến tranh. Chính tinh thần ấy đã làm nên một chiến dịch kỳ diệu, góp phần thay đổi căn bản diện mạo văn hóa, giáo dục của Việt Nam thời kỳ đầu độc lập. Trong bối cảnh hiện nay, để phong trào bình dân học vụ số đạt được thành công tương tự, cần khơi dậy và duy trì tinh thần không ngại khó, ngại khổ, sự chia sẻ và đoàn kết vì lợi ích chung của quốc gia.
Phong trào bình dân học vụ số của thời điểm hiện nay sẽ không chỉ là một sáng kiến giáo dục, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, Việt Nam có thể xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số đã và đang được thúc đẩy theo định hướng chiến lược của Đại hội XIII, với trọng tâm là xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Chính phủ trước đó cũng đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân và nhiệm vụ "chuyển đổi nhận thức" để đảm bảo thành công.
Đây cũng là xu thế chung của thế giới khi các quốc gia tiên tiến đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu từ chuyển đổi số như: Hàn Quốc, Malaysia, Đức,… Các nước đều bằng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi số nhằm thúc đẩy, tăng cường nhận thức của người dân.
79 năm trước, chữ quốc ngữ đã trở thành "chìa khóa" để mở cánh cửa tri thức. Hôm nay, kỹ năng số chính là “ngôn ngữ” mới, không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn để khẳng định vị thế của con người Việt Nam trong thời đại mới. Phong trào bình dân học vụ số, nếu được triển khai bài bản và đồng bộ, chắc chắn sẽ là một trang sử mới, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của nền giáo dục và xã hội Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.