Trình độ ngày càng được nâng cao
Có một câu châm ngôn về người thầy khiến chúng ta nhớ mãi, rằng: “Một người thầy giỏi giống như ngọn nến - nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác”.
Quả là như vậy. Một nền kinh tế muốn phát triển không chỉ cốt ở chính sách mà trước hết và trên hết là cần có đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng thích ứng được thực tiễn. Nói khác đi là cần một đội ngũ nhân lực có khả năng "thực chiến". Và khởi nguồn cho tính "thực chiến" đó chính là người thầy.
Với Bộ Công Thương, Bộ hiện quản lý hơn 35 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Tổng số cán bộ làm công tác quản lý trong biên chế tại các cơ sở đào tạo ngành Công Thương là gần 1.200 cán bộ, đặc biệt là gần 7.000 giảng viên... Đây thực sự là cơ sở quý để bảo đảm cho việc tạo dựng chất lượng nguồn nhân lực cho các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương- bộ kinh tế đa ngành, và các lĩnh vực kinh tế của cả nước.
Nét nổi bật chủ đạo trong công tác đào tạo của các trường trực thuộc Bộ Công Thương là luôn không ngừng đổi mới cả về tư duy lẫn nhận thức, nâng cao năng lực quản trị, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực. Đặc biệt đội ngũ giảng viên đã cùng các cơ sở đào tạo tự chủ đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo.
Đặc biệt, trình độ của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo của ngành Công Thương có sự cải thiện đáng kể các năm gần đây. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 17% do các trường chú trọng tuyển dụng và xây dựng cơ chế ưu đãi tuyển dụng giáo viên có trình độ tiến sĩ. Nét chuyển biến mới là số giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên và họ bước đầu áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiên tiến trên thế giới.
Giảng viên và sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiến hành làm thí nghiệm tại phòng Lab. Ảnh: HaUI |
Công tác chăm lo đội ngũ giảng viên sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương quan tâm theo hướng tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, năng lực sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng cho hội nhập quốc tế, kiến thức kinh doanh và khởi nghiệp, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giảng dạy. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ nhằm thu hút giáo viên, giảng viên có trình độ cao; nâng cao chất lượng công tác đánh giá giáo viên gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề...
Đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới
Bối cảnh phát triển mới của đất nước cũng như những lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương không chỉ đòi hỏi đáp ứng nguồn nhân lực cho những lĩnh vực vốn có mà còn cần thích ứng nhanh với những lĩnh vực mới mang tính chuyên sâu.
Một trong các lĩnh vực như thế là nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam đang thực sự là điểm đến của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Và cũng chính ở đây uy tín và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã được đánh giá cao và ghi nhận. Theo đó trong Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ, 3 trường Đại học do ngành Công Thương quản lý bao gồm Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực được dự kiến ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiêm bán dẫn để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Cũng mới đây, Trường Đại học Điện lực đã phối hợp với GE Vernova Foundation cùng Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) triển khai dự án RENEW Skills với khoản viện trợ 750.000 USD nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành năng lượng Việt Nam. Dự án RENEW Skills được quản lý bởi Tổ chức ASSIST sẽ được triển khai trong 3 năm tới, bao gồm các hoạt động trang bị và nâng cao kỹ năng cho sinh viên đại học, cao đẳng và kỹ thuật viên, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo của Việt Nam với số lượng khoảng 4.000 sinh viên và kỹ thuật viên.
Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có cơ sở đào tạo triển khai công tác đào tạo chuyên môn mang tính chuyên sâu cao cho ngành năng lượng tái tạo. Công tác này có tầm quan trọng đặc biệt bởi đào tạo kỹ năng là yếu tố then chốt để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và phát triển các công nghệ của tương lai. Một nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của một quốc gia.
Trong phát biểu mới đây với ngành Giáo dục và Đào tạo nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng với ngành Giáo dục và Đào tạo. Đầu tiên và cao nhất hiện nay là tập trung thực hiện cho bằng được đó là hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng.
Cùng đó Tổng Bí thư yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Đây cũng chính là những định hướng quan trọng với đội ngũ giảng viên ngành Công Thương, những người có sứ mệnh cao cả tạo dựng nguồn nhân lực kinh tế chất lượng cao cho đất nước hôm nay và ngày mai.