Biểu hiện bệnh cúm A và cách phòng tránh
Cúm A ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, A/H3N2 gây nên. Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác do có những triệu chứng tương tự, khó phân biệt.
Đây là một trong những loại cúm phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt trong mùa đông và mùa xuân, sự lây lan của virus cúm A thường tăng cao. Bệnh cúm A được xác định bởi sự tác động của virus cúm A lên đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng như sốt, viêm họng, mệt mỏi, đau cơ và đau đầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm toàn thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc cúm B. Trong mỗi đợt dịch cúm, có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng, 290 – 650 ngàn ca tử vong liên quan đến hô hấp.
Nguyên nhân gây ra cúm A ở trẻ chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ đường hô hấp của người bị cúm A hoặc thông qua tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus. Ngoài ra, việc trẻ ở trong môi trường đông đúc như trường học, nhà trẻ, các khu vực công cộng có thể tăng nguy cơ lây lan virus.
Cúm A ở trẻ thường có mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào hệ miễn dịch của trẻ và các yếu tố khác như tuổi, sức khỏe tổng quát và sự tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Trẻ em nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi và những trẻ em có hệ miễn dịch yếu thường có nguy cơ cao hơn mắc phải cúm A và phát triển biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng cúm A ở trẻ em và cách nhận biết
Trẻ sốt cao, thường trên 38°C và thường sốt từ 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn. Nhiệt độ cơ thể tăng cao và không dễ giảm xuống bằng cách sử dụng thuốc hạ sốt thông thường. Sốt cao liên tục khiến trẻ mệt mỏi và hay quấy khóc.
Triệu chứng viêm họng thường xuất hiện khi bị nhiễm cúm A. Họng của trẻ sẽ bị viêm đỏ, sưng, vì thế trẻ có thể gặp khó khăn khi nuốt và thường cảm thấy đau họng khi nói hoặc ăn uống.
Một trong những đặc điểm của cúm A ở trẻ là đau cơ và khó chịu ở một số vùng như cơ vai, cơ lưng và cơ chân. Điều này gây ra cảm giác không thoải mái và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như đi lại, leo cầu thang hay vận động.
Triệu chứng ho và sổ mũi thường xuất hiện đồng thời khi trẻ bị cúm A. Trẻ sẽ thường ho nhiều vào ban đêm và sáng sớm, tình trạng ho này có thể kéo dài trong thời gian dài. Bên cạnh đó, bé sổ mũi và khan tiếng. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc thở do mũi bị nghẹt và cảm giác khó chịu trong khu vực mũi và họng.
Trẻ bị cúm A thường có cảm giác mệt mỏi và không có năng lượng để tham gia vào các hoạt động thường ngày. Trẻ buồn ngủ, lười biếng và ít năng động hơn bình thường.
Cúm A có thể gây ra khó thở ở trẻ em, do sự viêm nhiễm và sưng phù ở đường hô hấp, gây hạn chế lưu thông không khí. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường, thở khò khè hoặc thở một cách mệt mỏi. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc thở, hãy tìm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức.
Một số trẻ mắc cúm A có thể gặp hiện tượng co giật khi sốt cao. Co giật thường xảy ra ở trẻ nhỏ và có thể làm trẻ có các cử động không tự chủ như run rẩy, giật mình hoặc động tác không tự chủ khác.
Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị cúm A ở trẻ
Phương pháp chẩn đoán thường dựa trên các triệu chứng cúm A ở trẻ và kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ khám cơ bản để đánh giá triệu chứng và lịch sử tiếp xúc gần với những người bị cúm A. Để xác định chính xác virus cúm A, có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm đường hô hấp như xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR…
Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn: Trẻ em < 5 tuổi, trong đó trẻ em < 2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất. Những trẻ có bệnh lý nền, trẻ ở môi trường đông đúc có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Trên thực tế, đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải nhập viện.
Điều trị tại nhà cha mẹ chú ý cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
Cần vệ sinh mũi họng hàng ngày;
Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ;
Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh,
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tiếp tục bú mẹ nhiều bữa;
Tắm nước ấm, mặc quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể;
Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời; Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.
Ngoài ra, khi nghi ngờ trẻ mắc cúm mà có các biểu hiện như: Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; Co giật; Khó thở, thở nhanh… cần đưa tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.