Tỷ lệ thất nghiệp quý III tăng 15,4 triệu người
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, số lao động chịu tác động bởi dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người.
“Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25-54 tuổi, chiếm 73,3% tổng lao động bị ảnh hưởng”, ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (TCTK) - thông tin thêm.
Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo thông tin về tình hình lao động việc làm |
Đặc biệt, trong tổng số 28,2 triệu người bị tác động bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,4 triệu người phải tạm ngừng, tạm nghỉ, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Số lao động ở hai vùng này cho biết, công việc của họ chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 59,1% và 44,7%. Trong khi con số này ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,4%.
Lao động tại khu vực thành thị được đánh giá chịu nhiều thiệt hại hơn khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.
Không chỉ số lao động mất việc làm tăng gia tăng trong quý III, theo TCTK, gần 1 nửa số người đang có việc làm (48,7%) cho biết công việc của họ gặp khó khăn do đại dịch, tăng gấp đôi so với quý trước. Hơn 2/3 tổng số người thất nghiệp (80,9%) cho biết, công việc của họ bị dịch bệnh gây hại, tăng 32,8 điểm phần trăm so với quý trước.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động tại vùng Đông Nam bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất so với quý trước và cùng kỳ năm trước, biến thể Delta đã cuốn đi khoảng ¼ mức thu nhập bình quân tháng của người lao động vùng này.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế-xã hội |
Củng cố niềm tin cho người lao động
Trả lời câu hỏi vì sao có hiện tượng lao động tại TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ về quê sau khi hết giãn cách, ông Nguyễn Huy Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động – cho rằng: Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài khoảng 4 tháng, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do bị mất việc và giãn cách xã hội. Trong khi đó, giãn cách xã hội cũng khiến tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản ở mức cao, lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới nên ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động.
Cùng với đó, các chính sách phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương lại không có kế hoạch cụ thể, khiến người lao động cảm thấy bất an, lo lắng, trong bối cảnh nguồn tài chính dự trữ thì dần cạn kiệt, các chính sách an sinh xã hội không đảm bảo. Những lao động này đa số là lao động nhập cư, làm việc tại các khu vực không chính thức, chi phí về điện nước, tiền thuê nhà cũng rất cao, vượt ngưỡng chịu đựng, nên quê hương vẫn được đánh giá là điểm đến an toàn để người lao động trở về.
Lực lượng lao động về quê quá nhiều, liệu có gây thiếu hụt cho thị trường lao động những tháng cuối năm, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát và hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại. Về vấn đề này, đại diện TCTK cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dù có quay trở lại hoạt động thì cũng khó mà đủ công suất 100% như trước khi có dịch mà chỉ duy trì khoảng 70%, nên tình trạng thiếu lao động trầm trọng cho sản xuất, kinh doanh sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoài Nam để thị trường lao động ổn định trở lại, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách đồng bộ, thống nhất ở tất cả các địa phương trên cả nước, thay vì mỗi nơi thực hiện một kiểu, có như vậy doanh nghiệp mới yên tâm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và người lao động cũng không còn tâm lý nghi ngờ, lưỡng lự khi quay trở lại thị trường lao động.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,02%, cao hơn 1,64 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. |