Sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi thường không giống nhau. Phần lớn người cao tuổi dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao, bệnh mạn tính cũng hay bị tái phát do suy giảm chức năng đề kháng của cơ thể và các bệnh cũng theo đó mà phát sinh.
Sau đây là một số nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi:
Bệnh về hệ thống tuần hoàn
Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp… chiếm tỷ lệ tương đối nhiều. Một số trường hợp, các loại bệnh này thường gặp ở những người béo phì, nghiện bia, rượu.
Bệnh về hệ hô hấp
Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốcvà những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều...
Đặc điểm của bệnh về đường hô hấp lại thường hay xảy ra vào mùa lạnh hoặc mùa đông, thay đổi thời tiết, lúc giữa đêm gần sáng, do đó rất dễ làm cho người cao tuổi có thể mất ngủ kéo dài.
Bệnh về đường tiêu hóa
Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng...
Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có một lý do mà người cao tuổi hay gặp phải là do ít vận động. Một số người cao tuổi thường ngồi một chỗ, thêm vào đó là ít ăn rau, uống ít nước nên rất dễ bị bệnh trĩ.
Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính... Các loại bệnh này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh ở người cao tuổi phát sinh.
Bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục
Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc có thể bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục, tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều khó chịu cho người cao tuổi.
Bệnh về hệ xương khớp
Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là mùa lạnh.
Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp, gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy.
Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.
Bệnh về hệ thần kinh trung ương
Đa số người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần theo tuổi nên làm cho trí nhớ giảm, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.
Rối loạn một số chỉ số về mỡ máu
Cholesterol, triglycerid; rối loạn về chức năng gan: SGOT, SGPT; đái tháo đường (bệnh tiểu đường) cũng là một số biểu hiện dễ gặp ở người cao tuổi do suy giảm chức năng sinh lý; đi kèm các rối loạn một số chỉ số này thường gặp ở người cao tuổi có tăng huyết áp, viêm gan, nghiện rượu…
Bệnh đái tháo đường không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn gặp ở người tuổi trẻ nhưng với người cao tuổi thường ít được phát hiện mà khi đã phát hiện bệnh thì thường muộn, đôi khi đã có biến chứng.
Ngoài ra, người ta còn thấy người cao tuổi thường thiếu một lượng nước cần thiết do thói quen uống ít nước hoặc ăn nhiều chất đạm như: cá, trứng, thịt gà, thịt lợn, thịt bò… làm xuất hiện một số bệnh về đường tiêu hóa hoặc làm da khô, nứt nẻ khó chịu…
Một số biện pháp phòng bệnh
Nên đi khám bệnh định kỳ, nhất là mỗi khi nghi bản thân mình có bệnh hoặc khi nghĩ cá nhân mình không có bệnh. Vì khi đi khám bệnh định kỳ hay không định kỳ, nếu có bệnh thầy thuốc sẽ phát hiện ra bệnh và ngay cả khi không có bệnh sẽ được thầy thuốc đưa ra những lời khuyên và tư vấn hữu ích.
Không nên nằm hoặc ngồi lâu một chỗ mà nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc nơi có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ và nên đến những nơi này để vừa tập, vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự để giải tỏa một phần bức xúc và có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe thì càng tốt.
Để tránh thiếu lượng nước cần thiết nên uống nước đều đặn và đầy đủ vào buổi sáng (trung bình cần từ 2 đến 2,5 lít nước/ngày). Cần ăn nhiều chất xơ: Rau, củ, quả cũng là một hình thức cung cấp một lượng nước đáng kể, cung cấp chất xơ để hạn chế táo bón, đồng thời bổ sung lượng vitamin tự nhiên nhưng rất cần thiết ở người cao tuổi.
Buổi tối trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước có thể gây nên hiện tượng đi tiểu đêm và càng không nên uống nhiều rượu, bia, không hút thuốc lá, thuốc lào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài ra, gia đình của người cao tuổi: Con, cháu nên gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, bố mẹ những lúc ốm đau cũng góp phần đáng kể làm cho người cao tuổi ít bệnh tật và cảm thấy cuộc sống đầm ấm, thoải mái về tinh thần.