Bất động sản cuối năm 2022 có phải là “thời điểm vàng” để đầu tư?
Diễn biến của các phân khúc
Đánh giá về diễn biến các phân khúc bất động sản, báo cáo thị trường Quý 3/2022 của Savills tại thị trường Hà Nội cho thấy, giá bán sơ cấp căn hộ bình quân đạt 47 triệu VND/m2, tăng 5% theo quý và 11% theo năm. Sau 15 quý liên tục tăng giá, giá sơ cấp hiện nay đã cao hơn 53% so với Quý 1/2019.
Đối với thị trường nhà ở thấp tầng, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự giảm 14% theo quý và giá liền kề giảm 9%, chủ yếu do nguồn cung mới với giá thấp tại dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 ở Mê Linh.
Trong khi đó, giá bán sơ cấp của shophouse ghi nhận mức tăng 5% theo quý. Tại các dự án hiện hữu đã ghi nhận mức tăng giá sơ cấp biệt thự tăng 10% và liền kề tăng 22% theo quý do số lượng căn tồn thấp tại các dự án này.
Nguồn cung tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ không đột biến, tính thanh khoản cũng thấp, nhưng giá nhà sẽ tiếp đà tăng. |
Nguyên nhân của sự tăng giá nhà ở trước đó được lý giải là bởi chủ đầu tư muốn phát triển sản phẩm có sự cạnh tranh và phù hợp với xu hướng nguồn cầu về sản phẩm chất lượng, điều kiện bàn giao tốt và nhiều tiện ích.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư của chủ đầu tư cũng có thể cao hơn mức dự kiến ban đầu, do quá trình phát triển dự án có những vấn đề phát sinh, khiến chi phí tài chính cao hơn dự phòng. Tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài đã khiến chi phí đầu tư tăng, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm khiến giá bán ở mức cao.
Nhận định về phân khúc căn hộ, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên Cứu, Savills Hà Nộichia sẻ: “Đối với thị trường căn hộ sơ cấp, nếu chi phí và kỳ vọng đầu tư phù hợp thì giá bán sẽ được giữ tại mức hợp lý, tuy nhiên khi chi phí ở mức cao hơn so với dự kiến thì sẽ kéo theo giá tăng cao. Nếu mức giá này thậm chí cao hơn so với dự án cùng phân khúc và cùng vị trí thì sẽ khó bán và buộc phải điều chỉnh về giá".
Bà Hằng lý giải, trong thời gian gần đây chúng ta thấy nhiều chủ đầu tư đã có những điều chỉnh về dòng tiền, họ có thể không áp dụng hình thức giảm giá trực tiếp mà đưa ra những chiết khấu hợp lý cho người mua thanh toán sớm hoặc thanh toán nhanh để hai bên cùng có lợi trong việc mua và bán.
Tuy nhiên, thị trường căn hộ thứ cấp đã chứng kiến một số nhà đầu tư quyết định giảm giá. Lý do có thể kể đến là bởi một số yếu tố liên quan đến điều kiện tín dụng hạn chế, lãi suất gia tăng, kéo theo áp lực thanh toán, tác động tới lợi nhuận đầu tư kỳ vọng.
"Phân khúc được dự báo sẽ gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể chịu sức ép giảm giá là sản phẩm đất nền khu vực ngoài trung tâm" - bà Hằng nói, đồng thời cho rằng, giá đất nền tại nhiều khu vực đã được đẩy lên cao trong thời gian qua. Các nhà đầu tư loại hình này thường hay sử dụng đòn bảy tài chính hơn so với các loại hình khác. Do đó khi lãi suất vay điều chỉnh khiến áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao thì sẽ có khả năng điều chỉnh về giá nhiều hơn.
Tại phân khúc nhà ở thấp tầng, xu hướng giảm giá được nhận định sẽ không rõ ràng. Phân khúc này trong những năm gần đây đón nhận nguồn cung hạn chế. Hơn nữa, nhu cầu lại chủ yếu từ những người có thu nhập cao, sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi mua nhà để ở, hoặc cải tạo và cho thuê. Do vậy, tỷ lệ người mua sử dụng đòn bảy tài chính với loại hình này là không nhiều, áp lực thanh toán không lớn, dẫn đến sự điều chỉnh rất hạn chế về mức giá.
Nhận định về tình hình hoạt động của phân khúc biệt thự và nhà liền kề trong quý 4/2022, bà Hằng cho hay, số lượng giao dịch sẽ không tốt như thời điểm quý cuối của những năm trước đây. Một số tác động không thuận lợi có thể kể đến như vấn đề về tín dụng bị hạn chế, thị trường có những sản phẩm neo ở mức cao, không đáp ứng được nguồn cầu để mua những sản phẩm vừa túi tiền.
Thực tế cho thấy, bước ra khỏi 2 năm Covid-19, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bắt đầu khởi sắc và lấy lại phong độ. Thế nhưng, với việc phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề từ quỹ đất, nguồn vốn, pháp lý… diễn biến thị trường năm 2022 đã không thực sự tươi sáng như mong đợi.
Đánh giá về thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, thị trường bất động sản thời gian qua đã phải trải qua nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc thị trường chậm lại sau nhiều biến cố cũng là cơ hội để đánh giá và nhìn nhận mọi vấn đề từ tốc độ phát triển, sức khoẻ các phân khúc, năng lực của doanh nghiệp… Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Liệu có phải là “thời điểm vàng” để đầu tư?
Bên cạnh những thách thức cũng có nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản, nhìn nhận lạc quan về thị trường, TS.Lê Sĩ Trí, chuyên gia kinh tế cho biết, thách thức đối với thị trường bất động sản vẫn luôn hiện hữu trong những tháng cuối năm, bên cạnh đó vẫn luôn có cơ hội. Cụ thể, 3 chính sách lớn của Nhà nước (Nghị định 44/2022; Nghị quyết 18; Nghị định 65/2022) dần đi vào cuộc sống. Đây được ví như ánh sáng cuối đường hầm để tạo niềm tin với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, thị trường cũng đang dần minh bạch và lành mạnh hơn. Các đòn bẩy về tài chính sẽ được cải thiện, room tín dụng cũng sẽ được nới trong thời gian tới. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu cũng tăng, từ 20 triệu người (năm 2019) tăng lên 24 triệu người (2021), dự kiến tăng lên 27 triệu người trong năm 2025.
“Khi tầng lớp này tăng thì thì tăng nhu cầu chi tiêu cũng sẽ tăng, theo đó, mặt hàng bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi khi thu nhập và nhu cầu mua sắm tăng. Chưa kể, tốc độ đô thị hóa cũng tăng từ 35% (2019) lên 37% (2021), dự kiến sẽ lên 40% (2025). Với những yếu tố này thì hy vọng thị trường bất động sản sẽ bớt ảm đạm trong thời gian tới”, TS.Lê Sĩ trí nhận định.
Đồng quan điểm, bà Hằng cho hay: Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cùng chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất cho các dự án bất động sản hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng, sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, giúp thanh lọc và gia tăng chất lượng dự án, đồng thời đem lại tính minh bạch, sự an toàn cho thị trường và tạo niềm tin cho người mua.
Tuy nhiên, vào thời điểm thị trường có biến động về giá, câu hỏi đặt ra sẽ là liệu có nên đầu tư để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn? Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho hay, thời điểm tốt để đầu tư là khi sản phẩm đầy đủ về pháp lý với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, khi mức giá vẫn cao so với tương quan các dự án xung quanh thì nhà đầu tư có thể chờ đợi các nguồn cung sơ cấp mới đưa ra thị trường.
"Người mua nhà thời điểm hiện nay cần hết sức lưu ý, sản phẩm khi mua đầu tiên cần là một sản phẩm ưng ý, không chỉ về chất lượng xây dựng mà các tiện ích cũng cần được tính toán hợp lý để cuộc sống sau này thêm thuận tiện. Đối với chủ đầu tư, không chỉ dừng lại ở việc phát triển tiện ích nội khu dự án mà còn cần các tiện ích mua sắm, ăn uống, phục vụ đời sống hàng ngày nếu là đại dự án" - Bà Đỗ Thu Hằng thông tin.
Bên cạnh đó, đối với các tòa nhà có khối đế thương mại cũng cần tính toán hợp lý để thu hút khách thuê, mang lại sản phẩm hấp dẫn để thu hút người mua. Đặc biệt chủ đầu tư cũng cần quản lý bài bản dự án để mang lại sự yên tâm cho người mua khi sinh sống hoặc để khi bán cũng đảm bảo về giá. Do đó, phải tính bài toán hợp lý trong tổng thể thì mới có thể thành công.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới và “mách nước” cho người có nhu cầu mua bất động sản, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2022, sẽ không có nhiều biến động, nguồn cung mới cũng không nhiều.
Những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền hoặc sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ thấp. Còn đối với những khách hàng trẻ, nguồn lực chưa đủ lớn thì có thể tìm đến các thị trường vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
“Nguồn cung tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ không đột biến, tính thanh khoản cũng thấp…, nhưng giá nhà sẽ tiếp đà tăng. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở cho phần lớn người lao động”, ông Khương nói.