Tăng cường biện pháp giữ chân người tham gia Bảo hiểm xã hội ở tỉnh Đồng Nai Đa dạng các hình thức truyền thông về Bảo hiểm xã hội tại Vĩnh Long |
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu
Trên cơ sở kế hoạch, chỉ tiêu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu và điều chỉnh kế hoạch thu cho bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị, địa phương.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Yên Bái, tính đến ngày 30/11/2022 số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh được 1.623 tỷ đồng, đạt 88,3% so với chỉ tiêu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao; số còn phải thu từ nay đến hết tháng 12/2022 là 215 tỷ đồng mới hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động tính đến 30/11/2022 là trên 49,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 2,7%.
Theo ông Phạm Công Cường - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái, số nợ bảo hiểm tuy đã giảm so với cùng kỳ năm 2021 gần 6 tỷ đồng, tuy nhiên tình trạng nợ vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do, năm 2022, dư địa của dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh không hiệu quả, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, dẫn đến thu nhập của người lao động không ổn định, số lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần có chiều hướng gia tăng, nhiều lao động chấm dứt hợp đồng lao động chưa quay trở lại làm việc nên dẫn đến việc nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa |
Cũng theo Bảo hiểm Xã hội Yên Bái, một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, do vậy, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, một mặt do nhận thức của chính người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng chưa đầy đủ, do sức ép phải có việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng cuối năm 2022.
Song song với đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội để đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, không để phát sinh chậm đóng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đóng đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; nâng cao chất lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp đã thanh tra, kiểm tra theo quy định, nhưng không chấp hành theo kết luận sau thanh tra, kiểm tra.
Trước đó, ngay từ đầu quý IV/2022, ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào thi đua nước rút 3 tháng cuối năm 2022, với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh giao, đặc biệt là hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, định lượng đã đề ra. Trong đó, mục tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội là 88.646 người, đạt tỷ lệ từ 19% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 47.925 người, đạt tỷ lệ 11% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm y tế là 782.500 người trở lên, đạt tỷ lệ 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Tích cực triển khai Đề án 06
Cùng với nỗ lực hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội, nhận thức được tầm quan trọng của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai đề án, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cập nhật bổ sung định danh công dân/Căn cước công dân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý tập trung; đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực tiếp, trên trang thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, qua hệ thống loa phát thanh cơ sở tại xã, phường, thị trấn, trên trang mạng xã hội để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất các nội dung có liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, việc triển khai Đề án số 06.
Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng tích cực phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh hướng dẫn người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân có gắn chíp và qua ứng dụng VNEID.
Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Yên Bái cũng thực hiện liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 100% xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; từ 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, đã cấp 11.630 thẻ bảo hiểm y tế trẻ em qua liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 547.466 người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, trong đó có 38.154/61.654 lượt người sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh và có 192/199 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh triển khai, xử lý vướng mắc về phần mềm tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương.
Năm 2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái được giao kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 1.838 tỷ đồng, tăng gần 17 tỷ đồng so với năm 2021; tỷ lệ phấn đấu giảm nợ là 2,1% so với tổng số thu. |