Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2023, số người tham gia BHXH cả nước uớc đạt 17,523 triệu người, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,015 triệu người, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2022; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,508 triệu người, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2022.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt 14,307 triệu người, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT: Ước đạt 91,837 triệu người, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 92,81% dân số. Số tiền thu BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) của toàn ngành tăng 38.563 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 89,18% kế hoạch giao.
Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành BHXH Việt Nam tháng 12/2023. Ảnh: BHXH Việt Nam |
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cho biết, toàn ngành đã tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Đồng thời, chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN. Công tác truyền thông được thực hiện kịp thời, đặc biệt là những “vấn đề nóng” được dư luận quan tâm.
Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).
Trên cơ sở kết quả đạt được, tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 12/2023, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần bám sát các giải pháp, kịch bản của BHXH Việt Nam về phát triển người tham gia và công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến sự phối hợp 3 bên giữa BHXH cấp huyện với Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã và các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương chưa kiện toàn được Ban chỉ đạo này đến cấp xã, vì vậy Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ theo dõi, hướng dẫn BHXH các địa phương khẩn trương thực hiện trong tháng 12/2023; Trung tâm Công nghệ thông tin hoàn thiện, tổ chức tập huấn cho BHXH các địa phương về các điểm mới của phần mềm quản lý thu.
Về lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, BHXH các địa phương tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia. Giám đốc các tỉnh cần rà soát các nhiệm vụ được BHXH Việt Nam và UBND tỉnh giao trong lĩnh vực này, cần nghiêm túc triển khai, không để tồn đọng; tập trung rà soát các chi phí tăng cao bất thường về chỉ định nội trú, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền giường…; kiểm soát dữ liệu do các cơ sở y tế đẩy lên hệ thống phải khớp với hồ sơ thanh toán, cần có kiểm tra xác suất để đánh giá.
Trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức trước năm 2022 theo Nghị định số 146/NĐ-CP, được thanh toán theo Nghị định số 75/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT và BHXH các tỉnh rà soát kỹ các hồ sơ thuyết minh, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thanh toán trùng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường cũng cho biết, vừa qua, Hội đồng quản lý BHXH có thực hiện chương trình giám sát tại một số địa phương. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng ghi nhận một số vấn đề trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT như tình trạng dữ liệu giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH có sự khác biệt lớn; tình trạng nghỉ ốm hưởng BHXH quá lớn tại một số doanh nghiệp; tần suất khám chữa bệnh, sử dụng thuốc, xét nghiệm, chỉ định điều trị nội trú bất thường tại không ít cơ sở khám chữa bệnh…
"Các vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sử dụng lãng phí, sai quy định các quỹ BHXH, BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của công tác giám định, thường xuyên thông báo đến các tỉnh, cơ sở y tế về tình hình KCB BHYT trên toàn quốc, với các số liệu bình quân chung về tần suất khám chữa bệnh, tỷ lệ điều trị nội trú, sử dụng biệt dược… để các tỉnh, cơ sở y tế biết, kiểm soát, điều chỉnh"- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường đề nghị.
Đề cập đến tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN ở các thành phố lớn có xu hướng gia tăng, theo ông Nguyễn Văn Cường giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; không chỉ là công tác thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam mà cần phối hợp với UBND, các sở, ngành như: Lao động, Y tế, Thuế, Công an… trên địa bàn thực hiện công tác thanh tra thường xuyên, liên tục hơn nữa. Ngoài ra, tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng, cần tăng cường công tác truyền thông và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tối đa.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trong toàn ngành rà soát lại tất cả các công việc, nhiệm vụ được giao từ đầu năm đến nay. Các công việc tồn đọng cần tập trung giải quyết, đến ngày 20/12/2023, cần cơ bản hoàn thành. Các chỉ tiêu chủ yếu về độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT cần hoàn thành, nhất là độ bao phủ BHYT. Số thu BHXH, BHYT, BHTN cần đạt và vượt kế hoạch được giao; phấn đấu giảm số nợ xuống mức dưới 2,68%. |