Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Quyết tâm thể hiện vai trò trụ cột an sinh của chính sách
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhưng với quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 7/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng đều ở hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Cụ thể, số người tham gia BHXH trên cả nước tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2020 (số tham gia BHXH bắt buộc tăng 1,65%, số tham gia BHXH tự nguyện tăng 61,96%), tổng số thu đạt 55,27% kế hoạch được Chính phủ giao. Giải quyết trên 5,64 triệu lượt hưởng BHXH; 415.572 lượt hưởng BH thất nghiệp (trong đó có 406.650 lượt trợ cấp thất nghiệp, 9.102 lượt hỗ trợ học nghề); đảm bảo thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 84 triệu lượt người.
Ngành BHXH đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động |
Cùng với đó, để vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, vừa an toàn trong phòng chống dịch bệnh, ngành BHXH Việt Nam triển khai nhiều biện pháp như: chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kỳ chi trả; thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác KCB BHYT, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng; tiếp tục kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh; đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc được giao…
Đặc biệt, ngay khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, BHXH Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến người tham gia và thụ hưởng chính sách, đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh và thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam cũng đã nhanh chóng xây dựng quy trình triển khai, văn bản hướng dẫn; tổ chức hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương để quán triệt nội dung này một cách quyết liệt, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
BHXH Việt Nam cũng đã nhanh chóng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện phân công lãnh đạo, viên chức chủ động liên hệ với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết các chính sách hỗ trợ; tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn. Điểm nổi bật là, thời hạn giải quyết chính sách hỗ trợ được rút ngắn chỉ trong thời gian một ngày.
Theo ghi nhận của BHXH Việt Nam, sau hơn một tháng triển khai, với 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, các chính sách liên quan đến ngành BHXH Việt Nam được các bộ, ngành đánh giá thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng nhất. Đến hết ngày 22/8, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh giảm mức đóng về 0% vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu người lao động và số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 282 đơn vị sử dụng lao động với 46.655 người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 325,5 tỷ đồng (tại 38 tỉnh, thành phố); xác nhận danh sách cho 356.446 người lao động của 19.112 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ (tại 61 tỉnh, thành phố), trong đó có 16.458 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp đang tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn ngành, vì vậy, buộc toàn ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tại địa phương. “BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, DN không phải đi lại, không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó đã kịp thời cung cấp 6 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 5 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch”- ông Mạnh cho biết.
Tuy nhiên thách thức đặt ra đối với ngành BHXH gian đoạn hiện tại rất lớn, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam đó là dịch bệnh bùng phát, khó lường và kéo dài tại nhiều địa phương nên việc tổ chức các hoạt động truyền thông, nhất là các hội nghị tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến số tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm…
Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nguyễn Thế Mạnh - cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo BHXH các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu, xây dựng kịch bản, cách thức, nội dung tuyên truyền, vận động để tập trung khai thác, phát triển đối với những nhóm đối tượng tiềm năng; tiếp tục rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để có hướng tiếp cận phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; hướng dẫn người dân đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian phòng chống dịch Covid-19; cũng như tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT…
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội đất nước; tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có việc hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt trong việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tế. “Toàn ngành cũng cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, góp phần đảm bảo đúng, đủ, kịp thời quyền lợi, chế độ chính sách cho người dân, người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị.