Báo chí giúp doanh nghiệp hoàn thiện hơn
Quảng bá du lịch là trách nhiệm của báo chí |
Cầu nối đắc lực
Ngành du lịch nói chung và giới doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này nói riêng luôn xác định, báo chí là kênh thông tin quan trọng, qua đó giúp DN nắm bắt nhu cầu, xu hướng khách hàng để xây dựng, làm mới sản phẩm cung cấp ra thị trường; giúp DN tiếp cận các tiềm năng du lịch của các điểm đến trong và ngoài nước. Đồng thời, báo chí là kênh quảng bá sản phẩm, dịch vụ của DN, địa phương đến công chúng hiệu quả nhất.
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtour - nhấn mạnh, báo chí là kênh giúp DN du lịch tự soi mình. Qua báo chí, DN nhận thức được mình để điều chỉnh cho phù hợp trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển. “Báo chí là kênh giám sát rất quan trọng, nếu làm tốt thì được ủng hộ, tuyên truyền, ngược lại sẽ bị phê phán, lên án, nhắc nhở. Báo chí vừa là thước đo, vừa là kênh giám sát để DN làm đúng, làm tốt” - ông Hoan bày tỏ.
Theo ông Hoan, bản thân DN luôn cầu thị, tranh thủ sức mạnh của báo chí chính thống để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, những thời điểm rơi vào khủng hoảng thông tin. Đặc biệt, với những DN kinh doanh chân chính, báo chí là cầu nối quan trọng để lan tỏa, tạo dựng thương hiệu, vị trí trên thị trường.
Nhiều CEO tâm huyết cho sự phát triển của du lịch nước nhà đều cho rằng, muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, DN cần sự đồng hành của báo chí trong điều tra nhu cầu, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của địa phương, DN lên cơ quan quản lý nhà nước để có những chính sách cởi trói, gỡ vướng… Báo chí còn là mặt trận tuyên truyền văn minh, văn hóa ứng xử trong du lịch đối với du khách, người dân, từ đó xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Cần thông tin chuyên sâu
Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN du lịch, do sức ép thông tin, cần view, cần độc giả nên báo chí phần lớn đưa tin mang tính phản ánh, đôi lúc quá vội vàng, dẫn đến thiếu sót; thổi phồng sự việc gây hoang mang, suy diễn cho công chúng; ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, khiến hình ảnh du lịch Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Là người có sự kết nối chặt chẽ với báo chí, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Makerting (Công ty du lịch TST Touris) - chia sẻ, thời gian qua, DN lữ hành đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ báo chí. Tuy nhiên, tính chủ động tương tác của báo chí với DN chưa cao. Bên cạnh đó, phát triển của du lịch cần chung tay của tất cả các bộ, ngành liên quan, nhưng sự liên kết này chưa thực sự chặt chẽ và báo chí còn chưa quyết liệt đề cập đến vấn đề này.
Ông Trương Tường Lân - Giám đốc Công ty du lịch Nam Cường - cho hay, báo chí cũng còn một số hạn chế trong nâng cao khả năng thích ứng và nhanh nhạy trong quảng bá hình ảnh điểm đến, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tính định hướng của báo chí với DN, ngành du lịch còn chưa mạnh như mong đợi.
Do vậy, với một ngành nhạy cảm như du lịch, mong muốn của DN là khi phản ánh vấn đề, người cầm bút cần có chuyên môn, kiến thức; chịu khó tham khảo thêm chuyên gia trong ngành để hiểu rõ vấn đề, để thông tin chính xác hơn tới công chúng.
Đồng thời, để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới, theo ông Trương Tường Lân, các DN cần phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, chất lượng rồi kết nối với báo chí quảng bá rộng và sâu hơn.
Hành trình phát triển ngành du lịch Việt Nam cần đến sự tương tác và hỗ trợ rất nhiều từ phía cơ quan báo chí. Trong đó, các nhà báo, phóng viên đóng vai trò là những tuyên truyền viên tích cực về mọi khía cạnh của ngành du lịch. |