Thương mại điện tử trên nền tảng xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia:

Bài 3: "Lỗ hổng" không thể xem nhẹ

Thương mại điện tử dự báo sẽ tạo xung lực cho tăng trưởng kinh tế, song hoạt động này đang đặt ra nhiều thách thức khi còn nhiều lỗ hổng không thể xem nhẹ
Bài 1: “Nấm độc” và “tầm gửi” sinh sôi trên không gian mạng Bài 2: “Chảy máu” tỷ đô từ những nền tảng xuyên biên giới

"Né" thuế bằng nhiều thủ thuật

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hội nhập kinh tế quốc tế cộng hưởng của sự phát triển của công nghệ, internet và "xúc tác" từ đại dịch Covid-19 làm đổi thay thói quen người tiêu dùng, đưa thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới "lên ngôi".

Thương mại điện tử nói chung, thương mại điện tử xuyên quốc gia nói riêng hiện nay đang trở thành một trong những yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được chứng minh thông qua các số liệu thống kê về tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới. Cũng như số thuế mà cơ quan thuế thu được từ hoạt động quản lý thương mại điện tử thu trung bình hơn 1.100 tỷ đồng/năm.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong kỷ nguyên số, thời gian qua Chính phủ đã ban hành các văn bản khác nhau nhằm siết chặt hoạt động này như: Luật Giao dịch Thương mại điện tử (2005), Luật An ninh mạng (2018), Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý thuế năm 2019…

Bên cạnh đó, một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử cũng đã ra đời như: Nghị định số 52/2013 và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này về thương mại điện tử; Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Ngoài ra, còn có các quyết định như: Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15-5-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 749/QĐTTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg, ngày 31-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ, Ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030...

Lỗ hổng thương mại điện tử trên nền tảng xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia: Bài 3: Lỗ hổng không thể xem nhẹ
Thương mại điện tử Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển bứt phá trong những năm tới.

Các chuyên gia cho rằng, những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển an toàn, lành mạnh hơn trong thực tiễn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội đã và đang làm nảy sinh một số vấn đề phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát của các quy định pháp lý nêu trên. Những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với người dùng trước những vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn luôn thường trực.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mặc dù các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đã tương đối toàn diện, song thực tế cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của thương mại điện tử xuyên biên giới nên các quy định này chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ và còn nhiều vấn đề chưa được đề cập đến.

Cụ thể như hiện nay, hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ với nhiều nhà cung cấp nổi tiếng như Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok... Trong khi, cả một thời gian dài, các quy định pháp lý không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, dẫn đến những kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh trục lợi dẫn đến thất thu thuế lớn cho Nhà nước.

Bài 3: Lỗ hổng không thể xem nhẹ
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội

Bên cạnh đó, hiện nay, người tiêu dùng đang phải gánh chịu rất nhiều phiền hà từ việc quảng cáo thương mại trực tuyến xuyên biên giới. Đơn cử như nhiều trường hợp nhà quảng cáo thương mại cố ý tạo ký tự nhầm lẫn để người tiêu dùng truy cập, hay như việc quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm dẫn đến sự nhầm lẫn về chất lượng gây ảnh hưởng đến kinh tế và tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Phổ biến hiện nay là quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Liên quan đến hoạt động quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo Nghị định này, từ ngày 15/9/2021, các nền tảng xuyên biên giới sẽ bị siết chặt, những quảng cáo vi phạm pháp luật phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

"Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật; phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền" - luật sư Tiền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo luật sư Tiền, quy định là vậy, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp trong xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới. Trong đó, các quy định trên dù được đặt ra nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng trên thực tế, hiệu quả thực thi các quy định trên vẫn chưa cao, bởi bản thân nội dung quy định còn chưa phù hợp với thực tế.

Trong khi, các nền tảng mạng xã hội lớn đều có tiêu chuẩn, quy tắc riêng và họ có toàn quyền quyết định, nên trong trường hợp một nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và được Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu gỡ bỏ, mà không vi phạm chính sách cộng đồng của nền tảng đó, thì yêu cầu mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rất khó được thực thi.

"Do không có quy định cụ thể về thời điểm “nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông” cũng như sự chênh lệch múi giờ, ngôn ngữ của quốc gia nơi nhận được yêu cầu nên quy định này có thể coi là “bất khả thi”. Mặt khác, việc phát hiện và xử lý từng quảng cáo vi phạm theo phương thức này là không hiệu quả, triệt để, bởi số lượng vi phạm lớn, trong khi tiêu chí xác định vi phạm mang tính chất định tính, việc xử lý mất thời gian, chỉ mang tính hình thức mà không giải quyết được tận gốc vấn đề" - luật sư Tiền chỉ ra.

Bên cạnh đó, luật sư Tiền cho rằng: Việc kiểm soát để thu thuế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do các bên tham gia hoạt động quảng cáo thương mại có thể tránh né được nghĩa vụ nộp thuế bằng các thủ thuật khác nhau. Một số nhà cung cấp mặc dù có được nguồn thu lớn từ thị trường Việt Nam nhưng lại chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, thậm chí cố tình tìm mọi chiêu trò để trốn thuế, làm tổn hại cho ngân sách quốc gia, đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thuế.

Có thể điểm qua như trong lĩnh vực quảng cáo xuyên quốc gia, nhất là trên các nền tảng lớn như Google, Facebook, việc thu và truy thu thuế còn gặp rất nhiều rào cản. Một trong những lí do là Google, Facebook hiện nay không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, số tiền thu được từ hoạt động quảng cáo đều được chuyển thẳng bằng phương tiện thanh toán quốc tế như Visa, Mastercard về tài khoản của công ty mẹ tại Hoa Kỳ hoặc trụ sở chi nhánh tại Singapore, chứ không qua trung gian tại Việt Nam, nên việc kiểm soát và thu thuế từ dòng tiền này gặp rất nhiều khó khăn.

"Ngoài ra, điểm vướng còn chính ở sự chồng chéo của các văn bản pháp luật cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế, chưa ưu tiên cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý. Theo đó, số lượng các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng tăng với tốc độ cao trong khi việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái rất nhiều, nhưng cơ quan Nhà nước không thể kiểm soát được" - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội nêu.

"Sở dĩ nhiều đối tượng vẫn lợi dụng mảnh đất “màu mỡ” này để “lộng hành” do vẫn còn một khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về việc quy định dữ liệu xuyên biên giới hay chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới. Hệ thống chế tài đối với hành vi vi phạm các quy định về mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân còn chưa đủ tính nghiêm khắc" - Luật sư Tiền cho biết.

Chia sẻ thêm về "góc khuất" của thương mại điện tử trên nền tảng xuyên biên giới, tiến sỹ, luật sư Lê Ngọc Khánh – Cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, ảnh hưởng lớn nhất từ những "lỗ hổng" về chính sách quản lí thương mại điện tử đối với chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng hiện nay đó là vấn nạn đánh cắp thông tin, bảo mật dữ liệu.

"Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng với động cơ chính trị vào hệ thống thông tin trọng yếu của các nước ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Hoạt động tội phạm lợi dụng "lỗ hổng" công nghệ gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt và hệ lụy lâu dài cho xã hội" - luật sư Lê Ngọc Khánh nói.

Trong khi đó, thực thế cho thấy, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm các quy định về mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân hiện chưa đủ răn đe. Luật sư Trần Xuân Tiền nêu rõ, tại khoản 5, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; những người có hành vi mua bán thông tin dữ liệu khách hàng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù và phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng.

"Đối chiếu với thực tiễn và thông lệ ở các nước thì mức phạt này còn rất nhẹ. Ví dụ, theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (EU) (GDPR), hành vi này có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu EUR (tương đương khoảng trên 500 tỷ đồng)" - luật sư Tiền cho hay.

Không để “chảy máu” ngân sách

Để tạo xung lực cho tăng trưởng kinh tế, một trong những thách thức lớn nhằm đảm bảo chủ quyền an ninh kinh tế quốc gia, theo các chuyên gia, một trong những nhiệm vụ cấp bách là cần khắc phục “lỗ hổng” chính sách thuế trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thực tế, những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử xuyên quốc gia đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Thừa nhận những bất cập trong hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay tại Hội thảo khoa học quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, sự phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Lỗ hổng thương mại điện tử trên nền tảng xuyên biên giới và góc nhìn chủ quyền quốc gia: Bài 3: Lỗ hổng không thể xem nhẹ
Theo các chuyên gia, cần sự phối hợp của các bộ ngành trong công tác quản lý nhằm từng bước kiểm soát hiệu quả các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo vị này, với định hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế cùng với tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này, thời gian qua, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách và quản lý thuế. Tuy nhiên, hàng loạt những khoảng trống về hành lang pháp lý cũng như những quy định khó lòng đuổi kịp sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử gây ra không ít khó khăn trong quản lý thuế.

Chỉ rõ hàng loạt thách thức trong thương mại điện tử đặt ra cho quản lý thuế, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho hay, thứ nhất, khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế do không nhất thiết phải có sự hiện diện vật chất của chủ thể kinh doanh. Thứ hai, khó khăn trong xác định giao dịch làm căn cứ tính thuế. Thứ ba, khả năng xói mòn cơ sở thuế do các đơn vị tránh lập cơ sở thường trú, tối thiểu hóa phạm vi hoạt động và tài sản để giảm thu nhập chịu thuế và khai thác tối đa các điều khoản có lợi về thuế với các nước đánh thuế thấp. Thứ tư, không xác định được căn cứ đánh thuế do nguyên tắc đánh thuế hiện hành dựa trên sự hiện diện vật chất. Thứ năm, không phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế.

Theo báo cáo Việt Nam Digital 2022 về sử dụng mạng internet thì có 72,10 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2022. Tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam ở mức 73,2% tổng dân số vào đầu năm 2022. Phân tích của Kopios chỉ ra rằng, người tiêu dùng internet ở Việt Nam tăng 3,4 triệu (+4,9%) từ năm 2021 đến năm 2022.

“Những thách thức này trước tiên đến từ những bất cập về hành lang pháp lý. Quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trong điều kiện kinh tế số. Cùng với đó, quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn giao dịch thương mại điện tử theo ủy quyền pháp luật dân sự không khả thi. Thiếu quy định cụ thể về cung cấp thông tin của sàn giao dịch thương mại điện tử", ông Trường đặt vấn đề.

Trước hàng loạt những rào cản về pháp lý đang đặt ra, trong khi dự báo về tốc độ phát triển thương mại điện tử ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, theo đó, ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: Để thương mại điện tử phát triển bứt phá trong những năm tới, đặc biệt là không để nguồn ngân sách nhà nước bị “chảy máu” việc tạo dựng một hành lang pháp lý ở mức phù hợp để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới còn non trẻ ở Việt Nam thì việc bịt những lỗ hổng không đáng có là rất quan trọng.

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần ưu tiên điều chỉnh các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn, đồng thời, cần sự phối hợp của các bộ ngành trong công tác quản lý nhằm từng bước kiểm soát hiệu quả các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Vậy làm thế nào để quản lý hiệu quả thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài? Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: Để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả, không chỉ có Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) - cơ quan thực hiện chức năng quản lý thu thuế, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ, trong đó phải đảm bảo các mục tiêu cốt lõi, đó là:

Một, phải bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng internet trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia… trong quá trình quản lý, cung cấp và sử dụng; không để bị động và bị chi phối, kiểm soát nội dung thông tin một cách có chủ đích từ các nền tảng số xuyên biên giới của nước ngoài.

Hai, bảo đảm sự kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu, độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tự miễn nhiễm trước thông tin xấu, độc của người sử dụng tại Việt Nam. Nâng cao kỹ năng an toàn, an ninh của người sử dụng tại Việt Nam trên môi trường internet.

Ba, quản lý các kênh thanh toán nhằm hạn chế các nhà cung cấp nước ngoài sử dụng các kênh thanh toán trực tiếp như Visa và Master Card, ví điện tử nhằm hạn chế hành vi trốn thuế.

Bốn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở thực hiện các quy định hiện hành, đồng thời nhằm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… liên quan các nội dung dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Năm, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xây dựng, hoàn thiện Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” nhằm hệ thống các vấn đề về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, từ đó đưa ra được giải pháp xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế và các pháp luật có liên quan đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam cho giai đoạn từ nay tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để quản lý chặt hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lực lượng chức năng cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Ninjavan, có tới gần 70 triệu người đã trở thành khách hàng mua sắm trực tuyến (người mua hàng online) kể từ sau đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á. Và ước tính số lượng sẽ tăng đến gần 380 triệu người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á đến năm 2026. Dự báo, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD.
Nhóm phóng viên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

4 tháng, xuất khẩu hồ tiêu thu về 353 triệu USD

4 tháng, xuất khẩu hồ tiêu thu về 353 triệu USD

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu da giày: Đơn hàng tăng chưa át được nỗi lo về những quy định mới

Xuất khẩu da giày: Đơn hàng tăng chưa át được nỗi lo về những quy định mới

Nhiều quy định mới liên quan đến thiết kế sinh thái, truy xuất chuỗi cung ứng của các thị trường lớn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày.
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 2 con số

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 2 con số

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắc Ninh: Xuất khẩu lô hàng thuốc thú y trị giá 200.000 USD sang thị trường Hồi giáo

Bắc Ninh: Xuất khẩu lô hàng thuốc thú y trị giá 200.000 USD sang thị trường Hồi giáo

Lô hàng thú y xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo (Halal) là thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng mang thương hiệu Sakan với tổng giá trị xuất khẩu trên 200.000 USD
Giá cà phê xuất khẩu giảm sâu khi tồn kho tăng trở lại

Giá cà phê xuất khẩu giảm sâu khi tồn kho tăng trở lại

Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt giảm với Robusta giảm mạnh hơn 3%, do xuất hiện mưa trái mùa tại khu vực Tây Nguyên làm dịu phần nào tình trạng khô hạn kéo dài.

Tin cùng chuyên mục

4 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về gần 20 tỷ USD

4 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về gần 20 tỷ USD

4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt lao dốc sau chuỗi tăng nóng

Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt lao dốc sau chuỗi tăng nóng

Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt giảm với giá cà phê Robusta giảm mạnh hơn 3% do xuất hiện mưa trái mùa tại khu vực Tây Nguyên làm giảm tình trạng khô hạn kéo dài
4 tháng, xuất khẩu rau quả thu về hơn 1,8 tỷ USD nhưng vẫn đối diện với rủi ro cố hữu

4 tháng, xuất khẩu rau quả thu về hơn 1,8 tỷ USD nhưng vẫn đối diện với rủi ro cố hữu

Dù đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024 nhưng rau quả vẫn đối mặt với bài toán rủi ro về chất lượng.
Gia Lai: Đề xuất xây dựng trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn

Gia Lai: Đề xuất xây dựng trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn

Tỉnh Gia Lai định hướng phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu hàng hóa.
Xúc tiến thương mại mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Xúc tiến thương mại mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.
Việt Nam xuất khẩu khoảng 170.000 tấn cà phê trong tháng 4

Việt Nam xuất khẩu khoảng 170.000 tấn cà phê trong tháng 4

Tổng cục Thống kê ước tính, Việt Nam xuất đi 170.000 tấn cà phê trong tháng 4, giảm hơn 2 lần so với ước tính 400.000 tấn của tháng trước.
Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức với hàng Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới và những thách thức với hàng Việt

Liên doanh liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt, chú trong thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang thương mại điện tử...
4 tháng năm 2024: Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì bức tranh sáng

4 tháng năm 2024: Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì bức tranh sáng

4 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, xuất siêu sang một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU tăng 2 con số.
Ngành nông nghiệp Tây Nguyên đón tin vui từ thị trường Âu - Mỹ

Ngành nông nghiệp Tây Nguyên đón tin vui từ thị trường Âu - Mỹ

Vùng Tây Nguyên cần tận dụng cơ hội từ các FTA, lợi thế để tăng giá trị xuất khẩu, tạo cú huých lớn cho ngành nông nghiệp tại thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Giá cà phê Robusta tăng tuần thứ 9 liên tiếp, giá cà phê Arabica hạ nhiệt

Giá cà phê Robusta tăng tuần thứ 9 liên tiếp, giá cà phê Arabica hạ nhiệt

Giá cà phê Robusta nối tiếp đà tăng sang tuần thứ 9 liên tiếp, thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam.
Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản Việt vươn xa

Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản Việt vươn xa

Kết nối tiêu thụ, tạo đầu ra cho nông sản qua sàn thương mại điện tử được quan tâm đẩy mạnh nhằm tăng cơ hội xuất khẩu, đưa nông sản Việt “vươn xa”.
Xuất khẩu tuần từ 22-28/4: Việt Nam có 18 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD; xuất khẩu tôm kỳ vọng tăng trưởng

Xuất khẩu tuần từ 22-28/4: Việt Nam có 18 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD; xuất khẩu tôm kỳ vọng tăng trưởng

Việt Nam có 18 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD; xuất khẩu tôm kỳ vọng đà tăng trưởng...là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu tuần 22-28/4.
Xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ tăng đột biến

Xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ tăng đột biến

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Âu - châu Mỹ những tháng đầu năm 2024 tăng đột biến, trong đó tăng mạnh nhất là Cuba.
Tây Nguyên: Khai phá tiềm năng ngành rau quả, phát triển hiệu quả kinh tế vùng

Tây Nguyên: Khai phá tiềm năng ngành rau quả, phát triển hiệu quả kinh tế vùng

Dù hội tụ đủ những điều kiện phát triển ngành rau quả nhưng các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách khiến quy mô xuất khẩu của vùng còn rất khiêm tốn.
Gia Lai: Đề xuất xây dựng Trung tâm Logistics hạng II thuộc khu vực Tây Nguyên

Gia Lai: Đề xuất xây dựng Trung tâm Logistics hạng II thuộc khu vực Tây Nguyên

Tỉnh Gia Lai đề xuất sớm hình thành một Trung tâm Logistics hạng II thuộc khu vực Tây Nguyên và hướng ra các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Tây Nguyên: Khai thác thế mạnh vùng, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển

Tây Nguyên: Khai thác thế mạnh vùng, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển

Tây Nguyên là vùng đất sở hữu nhiều lợi thế phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ tính đặc thù về bản sắc văn hoá, vị trí địa chính trị.
Trung Quốc giảm mua hàng, xuất khẩu hồ tiêu giảm lượng

Trung Quốc giảm mua hàng, xuất khẩu hồ tiêu giảm lượng

Quý I/2024, xuất khẩu hồ tiêu giảm 26,1%. Trong khi nhiều thị trường tăng mua hồ tiêu từ Việt Nam thì thị trường Trung Quốc lại giảm nhập khẩu.
Xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh

Xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đông Anh diễn ra từ ngày 26-30/4.
Cần thiết thành lập Sàn giao dịch gạo tiêu chuẩn Việt Nam

Cần thiết thành lập Sàn giao dịch gạo tiêu chuẩn Việt Nam

Việc có được một Sàn giao dịch gạo tiêu chuẩn Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tới.
Hơn 30 tỉnh, thành tham gia Hội chợ triển lãm

Hơn 30 tỉnh, thành tham gia Hội chợ triển lãm ''Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024''

Tối 26/4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm "Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024".
Xem thêm
Mobile VerionPhiên bản di động