Bài 2: Những khó khăn trong định vị và nâng tầm sản phẩm OCOP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, sau hơn 4 năm triển khai, hiện nay 21/21 huyện, thành phố, thị xã của Nghệ An đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP.
Vì sao vẫn chưa lan tỏa?
Ông Trần Nguyên Hoà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho rằng: Phải nhìn nhận thực tế, một số sản phẩm sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa có sự phát triển đột phá, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Riêng huyện Nghi Lộc cũng đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất, như: hướng dẫn quy trình thực hiện các bước VietGAP, nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cũng như kết nối để đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển Chương trình OCOP. Trong ảnh: Sản phầm mì rau củ của Công ty Cổ phần An An Agri được chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP. |
Nghi Lộc đến nay đã có 14 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 13 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến đến hết năm 2023, huyện phấn đấu công nhận thêm 7 – 8 sản phẩm OCOP, lộ trình đến năm 2025, huyện sẽ có khoảng 40 sản phẩm OCOP đạt sao. “Thời gian tới, mong muốn các cấp, ngành có thêm các chính sách hỗ trợ, làm đòn bẩy gỡ khó cho sản phẩm OCOP. Cụ thể, như tạo điều kiện cho các chủ thể thuê đất sản xuất, vay vốn, giảm lãi suất, tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tổ chức nhiều chương trình kết nối, với mục tiêu cao nhất đưa sản phẩm OCOP ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước…”, ông Hoà mong muốn.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn nội tại thì việc thực hiện Chương trình OCOP của nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số người dân chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP…Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân sản xuất.
Ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp luôn được Nghệ An đưa vào chương trình trọng tâm. Sản phẩm thì nhiều nhưng sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An thì tìm chưa ra. Sản phẩm OCOP các địa phương thì tương tự nhau, Nghệ An làm được thì các tỉnh khác cũng làm được. Sản phẩm thì nhiều, nhưng sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường không nhiều, cung không đủ cầu.
Các địa phương cần phát triển sản phẩm OCOP dựa trên đặc trưng, thế mạnh của mình. Trong ảnh: sản phẩm OCOP rượu cần Tiên Đồng ở xã Tiên Kỳ - H. Tân Kỳ- Nghệ An |
Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, đã chỉ ra những hạn chế từ việc tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng địa phương, các chủ thể. Thêm vào đó, kinh phí còn thấp và chưa cân đối nhu cầu thực tế… dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai; trình độ của cán bộ HTX còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản; Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây trồng khác gắn với sản xuất tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối.
Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn hạn hẹp, các chủ thể sản xuất OCOP còn thiếu địa điểm để quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến người tiêu dùng, vẫn còn nhiều người chưa biết đến sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, tính chủ động quảng bá thương hiệu, hàng hóa của chính cơ sở sản xuất sản phẩm đang còn rất hạn chế. Việc tìm kiếm thị trường đang đi theo lối mòn cũ, thiếu tính tư duy đột phá, nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm đang chưa cao.
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Trong số 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên ở Nghệ An có 48 sản phẩm OCOP đã hết hạn vào đầu tháng 4/2023 vừa qua. Qua tìm hiểu, có khá nhiều sản phẩm đã quá thời hạn được công nhận sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa “chịu” đánh giá lại. Theo một số chủ thể, việc tổ chức đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Sản phẩm mỳ rau An An Agri đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh ở Nghệ An. |
Tại huyện Nam Đàn – đây là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đứng vào Top đầu của tỉnh Nghệ An với 69 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt sao OCOP năm 2019, nay đã đến hạn phải đánh giá, công nhận lại, song mới chỉ có 1 sản phẩm đã làm hồ sơ công nhận lại vào năm 2021. 5 sản phẩm còn lại hiện đang làm hồ sơ để đánh giá lại theo quy định.
Chia sẻ về khó khăn này, bà Hồ Thị Xuân Hương - chủ thể sản phẩm 4 sao OCOP Tương Sa Nam ở xã Nam Anh (H.Nam Đàn) cho biết: “Khi được công nhận 4 sao OCOP năm 2019, thì quy mô là sản xuất hộ. Đến năm 2020, chúng tôi thành lập HTX Tương Sa Nam. Do đó, nay để tham gia đánh giá lại OCOP chúng tôi phải có xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, đăng ký mã số thuế, phải làm hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường…khá mất thời gian, công sức. Năm 2022, trước khi đến hạn cơ sở đã làm hồ sơ, tuy nhiên chưa được chấp thuận. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để tham gia đánh giá lại…”.
Ông Nguyễn Văn Học - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bometa, ở xã Hưng Đông (TP. Vinh) - chủ thể của 7 sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019 cho biết: Hiện cơ sở đang cân nhắc việc tham gia đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đạt OCOP, để đánh giá nâng hạng các sản phẩm lên 4 sao thì chưa đủ điều kiện mà công nhận lại 3 sao thì làm lại hồ sơ cũng rất mất thời gian. Bởi một số sản phẩm trước đây nay đã chuyển đổi sang sản phẩm khác (cao chè vằng nguyên chất nay đã chuyển sang dạng viên); 2 sản phẩm mật ong thì đã nhập lại thành một nhóm.
Ông Trần Mạnh Hồng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đàn cho hay: “Một số chủ thể trên địa bàn chưa làm hồ sơ đánh giá, công nhận lại, do không còn được tiền thưởng như đã được công nhận lần 1 (3 sao OCOP được thưởng 30 triệu đồng, 4 sao được thưởng 40 triệu đồng) nên một số chủ thể không mặn mà.
Và theo quy định mới theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ thì nay, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở xuống do huyện thẩm định và công nhận, công bố, chỉ có những sản phẩm đủ điểm chấm 4 sao mới trình tỉnh thẩm định, công nhận. Trong khi đó, thành phần hội đồng cấp huyện có ít nhất 3 thành viên của Sở nên nhân lực hội đồng đang phụ thuộc vào sự sắp xếp, bố trí của các sở…”, ông Hồng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng cho rằng: việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP gặp những vướng mắc như: Thứ nhất, do không có tiền thưởng như được công nhận lần 1 nên các chủ thể không mặn mà; thứ hai, một số chủ thể xác định đánh giá lại cũng khó “nâng hạng” sao nên không tham gia đánh giá lại; thứ ba, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí trong việc lập hội đồng để đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đến hạn; thứ 4, lý do khách quan là cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 148 “về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” nên một số địa phương vừa tiếp cận, chưa kịp triển khai và còn những lúng túng nhất định.
Mặt khác, trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 đang là UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp thì hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên họ xem đó như “tụt hạng” nên không muốn tham gia đánh giá, công nhận lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ Lâm khẳng định: việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo thời gian quy định.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, về tổng thể chung của chương trình, việc phân cấp sẽ giúp định vị và phân cấp rõ ràng hơn về sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP. Đồng thời, giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Về đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia). |
Bài 3: Giải pháp gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP